Đang nạp trang. Vui lòng đợi giây lát!
[13-03-2024] - LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO TCCS/VMĐ VỀ KHẢO NGHIỆM GIÁ TRỊ CANH TÁC VÀ GIÁ TRỊ SỬ DỤNG CỦA GIỐNG MÍA | [27-03-2023] - TB TUYỂN CHUYÊN GIA VÀ PHIÊN DỊCH VIÊN LÀM VIECJ TẠI CUBA | [24-03-2023] - ĐĂNG KÝ ỨNG VIÊN XÉT BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ NĂM 2023 | [24-03-2023] - Ban Thông tin và Đào tạo - VAAS | [30-08-2022] - Thông báo về việc cung cấp tài liệu tham khảo môn thi Kiến thức chung - Kỳ thi tuyển dụng viên chức làm việc tại Cơ quan Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc năm 2022 | [10-08-2022] - Thông báo tuyển dụng viên chức làm việc tại Cơ quan Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc năm 2022 | [18-04-2022] - Thông báo về việc tuyển dụng viên chức năm 2022 | [04-07-2014] - Viện Nghiên cứu Mía đường chính thức ra mắt Ngân hàng kiến thức trồng mía |
Xem TIN TỨC
QUẢN LÝ CÂY TRỒNG TỔNG HỢP TRÊN CÂY MÍA
Thursday - 23-11-2017 | 07:43:25 AM

Gần đây có nhiều Hội nghị, Hội thảo về mía đường do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp Hội Mía Đường Vệt Nam, Viện Nghiên cứu Mía đường và một số doanh nghiệp như Tập Đoàn Thành Thành Công, Công ty cổ phần Mía Đường Lam Sơn,... đăng cai tổ chức. Tại các Hội nghị, Hội thảo nêu trên, nhiều tiến bộ kỹ thuật ở trong và ngoài nước về giống mía, phân bón, cơ giới hóa, tưới nước,... đã được trình bày và giới thiệu. Đó cũng chính là các kết quả nghiên cứu mới nhất về quản lý cây trồng tổng hợp trên cây mía. Chúng tôi đã tổng hợp và xin giới thiệu cho quý bà con nông dân trồng mía trên cả nước tham khảo và áp dụng.

Quản lý cây trồng tổng hợp trên cây mía bao gồm có 5 biện pháp quản lý chính, cụ thể như sau:

I. QUẢN LÝ GIỐNG

1. Lựa chọn giống mía thích hợp và sử dụng giống mía hợp lý

m

Giống mía VN09-108

- Ở mỗi vùng, nên sàng lọc, tuyển chọn và ưu tiên phát triển từ 2-3 giống mía chủ lực có chữ đường cao > năng suất cao > lưu gốc tốt và thích ứng rộng, dựa trên cơ cấu giống mía do Viện Nghiên cứu Mía đường khuyến cáo áp dụng trong vụ trồng mới 2017-2018 như sau:

+ Miền núi phía Bắc: Chín sớm: ROC10, ROC22, VN09-108, VĐ93-159; Chín trung bình: VĐ00-236, ROC27, LK92-11, KK3; Chín muộn: K95-156, My55-14

+ Bắc Trung bộ: Chín sớm: VĐ93-159, ROC10, ROC16, ROC22, KK2; Chín trung bình: VĐ00-236, QĐ21, LK92-11, KK3, LS1, LS2; Chín muộn: K95-156, My55-14.

+ Nam Trung bộ: Chín sớm: VN84-4137, VN09-108, ROC16; Chín trung bình: LK92-11, KK3, K84-200, K95-84, QN-01; Chín muộn: K95-156.

+ Tây Nguyên: Chín sớm: R579, K83-29; Chín trung bình: LK92-11, KK3, K84-200, K95-84, QN-01; Chín muộn: K95-156.

+ Đông Nam bộ: Chín sớm: VN84-4137, ROC16; Chín trung bình: LK92-11, KK3, K93-219, K84-200, K95-84; Chín muộn: K95-156.

+ Tây Nam bộ: Chín sớm: ROC16, VĐ93-159; Chín trung bình: LK92-11, KK3, K84-200, K95-84, Suphanburi 7; Chín muộn: K95-156.

- Nên căn cứ vào động thái chín, hay thời gian thu hoạch thích hợp nhất của từng giống mía đang trồng phổ biến trong vùng để bố trí cơ cấu giống mía và lịch thu hoạch mía hợp lý, đảm bảo rải vụ và cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Ví dụ: Ở vùng Đông Nam bộ, thời gian thu hoạch thích hợp của giống mía VN84-4137 là 10,0 – 11,5 tháng tuổi; giống K93-219 là 11,0 – 12,0 tháng tuổi; giống ROC16 là 11,0 – 12,5 tháng tuổi; giống K83-29, KK3 và LK92-11 là 11,0 – 13,0 tháng tuổi; giống K84-200 và K95-84 là 11,5 – 13,0 tháng tuổi; giống Suphanburi7 là 12,0 – 13,5 tháng tuổi; giống K88-92 là 12,0 – 14,0 tháng tuổi và giống K95-156 là 12,0 – 14,0 tháng tuổi.

m

Máy thu hoạch mía liên hợp (cắt khúc)

2. Sử dụng hom mía giống đạt tiêu chuẩn chất lượng 

- Chỉ sử dụng hom mía giống có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất thông qua hệ thống nhân giống 3 cấp và đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Tuổi mía: 7 – 8 tháng tuổi;

+ Loại mía: mía tơ hoặc mía gốc I;

+ Độ thuần: trên 98%;

+ Độ khỏe: Mía sinh trưởng tốt, không bị vống lốp hoặc cằn cỗi, dưới 10% cây bị chồi nách, dưới 10% cây bị đổ ngã, lá mía có màu xanh đặc trưng. Chỉ lấy giống ở những ruộng không bị bệnh than, thối đỏ; không có triệu chứng bệnh khảm, bệnh trắng lá, bệnh chồi cỏ, bệnh hội chứng vàng gân lá, bệnh thân ngọn đâm chồi và bệnh cằn gốc; bệnh rỉ sắt từ cấp 1 – 3 (lá dương 3 không có triệu chứng bệnh).

- Nếu trồng thủ công:

+ Ra hom (cắt hoặc chặt hom) trước khi trồng ít nhất 1 ngày, mía được trồng ra ruộng sau khi thu hoạch không quá 7 ngày. Hom mía giống phải đạt các yêu cầu chất lượng như sau:

+ Có 2 – 3 mắt mầm tốt (mầm phía ngọn có đầy đủ bộ phận, có sắc tố đặc trưng; mầm phía gốc có vẩy mầm chưa hóa gỗ; mắt mầm không bị khô hoặc xây xát, dập nát), tỷ lệ rễ khí sinh dưới 10% số điểm rễ;

+ Không bị nhiễm sâu bệnh;

+ Có đường kính đạt trên 80% đường kính thân đặc trưng của giống và độ dài lóng không dài hoặc ngắn hơn quá 20% độ dài đặc trưng của giống.

+ Tiến hành xử lý hom trước khi trồng bằng nước vôi với liều lượng pha 80 kg vôi CaO/400 lít nước, thời gian ngâm 1 giờ để tăng cường khả năng chống hạn cho mía trong mùa khô.

- Nếu trồng bằng máy:

+ Đốn nguyên cây, chặt bỏ gốc già và ngọn non tới mặt trăng.

+ Mía giống sau khi đưa về đến điểm tập kết, tiến hành lột bỏ bẹ và phiến lá.

+ Vận chuyển mía giống đến để ở 2 đầu bờ lô sao cho máy trồng dễ tiếp cận để lấy hom.

II. QUẢN LÝ KỸ THUẬT CANH TÁC MÍA

1. Trồng mía và thu hoạch mía đúng thời vụ

            Trồng mía đúng thời vụ khuyến cáo như bảng dưới đấy. Trong đó vụ trồng chính chủ yếu trồng mía nguyên liệu, còn vụ trồng phụ chủ yếu trồng mía lấy giống.

- Miền núi phía Bắc: Vụ trồng chính từ 1/1 – 30/4, vụ trồng phụ từ 1/9 – 30/11.

- Bắc Trung bộ: Vụ trồng chính từ 1/1 – 30/4, vụ trồng phụ từ 1/10 – 15/12.

- Nam Trung bộ: Vụ trồng chính từ 1/1 – 1/3, vụ trồng phụ từ  1/6 – 30/8.

- Tây Nguyên: Vụ trồng chính từ 1/10 – 30/11, vụ trồng phụ từ 1/5 – 30/6.

- Đông Nam bộ: Vụ trồng chính từ 15/10 – 30/12, vụ trồng phụ từ 15/4 – 15/6.

- Tây Nam bộ: Vụ trồng chính từ 1/4 - 30/6, vụ trồng phụ từ 15/11 – 30/1.

2. Chọn đất trồng mía thích hợp

            Chỉ nên chọn khu vực đất thoát nước tốt, không bị ngập úng quá 1 tuần trong mùa mưa, hoặc đất có khả năng tưới nước bổ sung trong mùa khô, độ pHKCl dao động từ 4 – 6, tầng canh tác sâu, tơi xốp để trồng mía.

3. Chuẩn bị đất trồng mía đúng và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật 

- Nếu trồng thủ công: Gồm các bước lần lượt như sau: cày sâu không lật 1 lần, cày 3 – 4 chảo 1 lần, cày 7 chảo 1 - 2 lần, phay đất 1 lần và rạch hàng:

+ Sử dụng cày sâu không lật có từ 2 - 10 lưỡi cày, kết hợp máy kéo có công suất từ 90 - 150 HP để phá tầng đế cày ở độ sâu từ 50 – 60 cm, tạo rãnh tích trữ nước chống hạn trong mùa khô và thoát nước trong mùa mưa.

+ Rạch hàng bằng dàn rạch mũi cánh én hoặc chảo, mỗi lần rạch từ 1 – 2 hàng tùy loại dàn, độ sâu rạch hàng yêu cầu từ 25 - 30 cm.

- Nếu trồng bằng máy: Gồm các bước lần lượt như sau: cày sâu không lật 1 lần, cày 3 – 4 chảo 1 lần, cày 7 chảo 1 - 2 lần và phay đất 1 lần.

- Khi rạch hàng, trồng mía, thiết kế hàng mía thuận theo độ dốc và hướng thoát nước tự nhiên của lô ruộng, kết hợp làm 1 rãnh sâu 20 – 40 cm, rộng 20 – 30 cm quanh từng lô mía để giúp tiêu thoát nước cho ruộng mía, tránh ngập úng vào mùa mưa.

m

Máy cày sâu không lật

4. Áp dụng mật độ và cách trồng hợp lý

- Mật độ trồng: Khoảng 41.500 hom 3 mắt mầm/ha (nếu trồng hàng đơn) hoặc 62.500 hom 3 mắt mầm/ha (nếu trồng hàng kép), tương đương 8 – 12 tấn giống/ha.

- Khoảng cách và phương pháp trồng: 

+ Trồng thủ công: Trồng hàng đơn, khoảng cách hàng 1,2 m; hoặc trồng hàng kép theo quy cách: 0,4 m (khoảng cách 2 hàng đơn trên 1 hàng kép) + 1,2 m (khoảng các 2 mép hàng kép). Bón lót phân xuống đáy rãnh, sau đó đặt hom vào một bên rãnh mía, sao cho 2 hàng mầm mía nằm 2 bên hom, rồi dùng chân ấn nhẹ lên hom cho hom tiếp xúc với đất, cuối cùng lấp hom thủ công bằng tay hoặc bằng cày trâu, bò.

+ Trồng bằng máy: Trồng hàng kép theo quy cách: 0,4 m + 1,2 m. Trồng mía kết hợp bón phân lót và lấp hàng.

m

Máy trồng mía bán thủ công

5. Trồng dặm cho diện tích bị mất khoảng

a) Đối với mía tơ

- Khoảng 15 – 25 ngày sau khi trồng, khi cây mía có 1 – 2 lá thật, nếu thấy mất khoảng > 0,8 m thì phải trồng dặm.

- Kỹ thuật dặm: Nên dặm vào buổi chiều hoặc lúc trời mát. Dùng hom đã nảy mầm ở chỗ mọc dày, hom đã nảy mầm đặt thêm ở các đầu hàng, hoặc hom đã được ươm trong bầu đất chuẩn bị trước đó để dặm. Đào rãnh sâu ngang với đáy rãnh lúc trồng, đặt cây dặm và lấp kín gốc. Khi dặm đất phải đủ ẩm, cây đem dặm phải cắt bớt lá để hạn chế thoát hơi nước, nén chặt đất vào gốc cây dặm. Nếu có điều kiện cần tưới ngay sau khi dặm.

b) Đối với mía gốc

Sau khi thấy mía gốc tái sinh đều, tiến hành kiểm tra và dặm những chỗ mất khoảng 0,8m. Kỹ thuật dặm tương tự như ở vụ mía tơ, nhưng phải lưu ý đảm bảo đủ ẩm cho bụi mía sau khi trồng dặm.

6. Lưu gốc và chăm sóc mía gốc ban đầu hợp lý

- Chỉ lưu gốc những ruộng mía có năng suất cao, ít bị sâu bệnh, tỷ lệ mất khoảng < 20%.

- Sau khi thu hoạch xong, ruộng mía lưu gốc phải được vệ sinh, băm lá mía, bạt (phạt, tề) gốc sát đất bằng máy chuyên dùng nếu thu hoạch bằng thủ công (còn nếu thu hoạch bằng máy thì không cần thực hiện công đoạn này).

- Không nên đốt ngọn, lá mía sau thu hoạch, mà sử dụng nguồn ngọn, lá mía này để tủ lá, che phủ, giữ ẩm cho ruộng mía lưu gốc sau khi thu hoạch. Gom ngọn lá mía xung quanh ruộng vào trong ruộng để tạo khoảng cách phòng chống cháy.

III. QUẢN LÝ DINH DƯỠNG

1. Bón phân đúng liều lượng và chủng loại

Liều lượng phân bón thích hợp cho 1 ha mía như sau:

- Vôi: Bón vôi nông nghiệp hoặc vôi xanh (dolomite) từ 1,0 – 2,0 tấn tùy theo kết quả phân tích đất có độ pHKCl từ 6 – 4. Bón rải đều trên mặt ruộng bằng máy tung vôi chuyên dùng, trước lần cày, bừa cuối cùng hoặc sau thu hoạch vụ mía trước 1 tuần.

- Phân hữu cơ: 2,0 – 3,0  tấn phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh hoặc hữu cơ đa vi lượng.

- Phân NPK: Tùy theo vùng mía và yêu cầu sản xuất, có thể lựa chọn và áp dụng 1 trong 4 công thức bón thích hợp cho cây mía như sau:

+ Công thức 1: Bón lót 400 kg/ha NPK16-16-8+TE; bón thúc 600 kg/ha NPK16-6-18+TE.

+ Công thức 2: Bón lót 400 kg/ha NPK15-15-15+TE; bón thúc 600 kg/ha NPK16-6-18+TE.

+ Công thức 3: Bón lót 400 kg/ha NPK16-16-8+TE; bón thúc 600 kg/ha NPK16-8-14+TE.

+ Công thức 4: Bón lót 400 kg/ha NPK15-15-15+TE; bón thúc 600 kg/ha NPK17-6-17+TE.

Sau mỗi chu kỳ canh tác mía, nên tiến hành phân tích đất để đánh giá lại độ phì nhiêu của đất và điều chỉnh lại công thức bón phân nêu trên cho cân đối, hợp lý hơn.

2. Bón phân đúng lúc, đúng cách

* Cho mía tơ: Bón làm 3 lần

- Lần 1: Bón ngay lúc trồng. Bón toàn bộ lượng phân hữu cơ và phân NPK lót. Bón rải đều xuống đáy rãnh bằng tay hoặc bằng máy trồng mía bán thủ công kết hợp bón phân lót.

- Lần 2: Bón lúc mía khoảng 40 - 50 ngày tuổi (có 4-5 lá). Bón 1/2 lượng phân NPK thúc. Bón bằng máy bón phân giữa hàng (bón phân chính giữa vùng rễ), ở độ sâu 12 cm.

- Lần 3: Bón lúc mía khoảng 90 - 100 ngày tuổi (có 9-10 lá). Bón 1/2 lượng phân NPK thúc. Bón bằng máy cày ngầm bón phân (vùi bên gốc mía), ở độ sâu 12 cm.

m

Máy bón phân giữa hàng

* Cho mía gốc: Bón làm 2 lần 

- Lần 1: Sau khi thu hoạch vụ trước khoảng 1 tháng, bón toàn bộ lượng phân hữu cơ và phân NPK lót. Bón bằng máy bón phân giữa hàng (bón phân chính giữa vùng rễ), ở độ sâu 12 cm.

- Lần 2: Khi mía bắt đầu vươn lóng hoặc sau lần 1 khoảng 40 – 60 ngày, bón toàn bộ lượng phân NPK thúc. Bón bằng máy cày ngầm bón phân (vùi bên gốc mía), ở độ sâu 12 cm.

* Lưu ý: Trước mỗi lần bón phân thúc nêu trên, cần phải tiến hành xới xáo, làm sạch cỏ ở gốc mía bằng công cụ thủ công và làm sạch cỏ ở giữa hai hàng mía kép bằng công cụ cơ giới (máy xới, bừa đĩa, cào cỏ,…).

m

Máy cày ngầm bón phân (vùi bên gốc mía)

3. Luân, xen canh cải tạo độ phì nhiêu đất 

            - Luân canh:

+ Đối với đất tốt, áp dụng cơ cấu chu kỳ luân canh 5 năm: 1 vụ mía tơ + 3 vụ mía gốc + 1 vụ cây luân canh.     

+ Đối với đất xấu, áp dụng cơ cấu chu kỳ luân canh 4 năm: 1 vụ mía tơ + 2 vụ mía gốc +  1 vụ cây luân canh.     

+ Cây trồng luân canh với cây mía: Tốt nhất (theo thứ tự ưu tiên) nên luân canh mía với cây đậu xanh, cây đậu mèo và một số cây họ đậu khác.

+ Thu hoạch và cày vùi cây luân canh trước khi trồng mía ít nhất 2 tuần.

- Xen canh:

+ Ngay sau khi trồng mía, tiến hành rạch 1 – 2 hàng dọc giữa 2 hàng mía, bón phân lót, gieo hạt, lấp đất đủ kín hạt.

+ Sau khi thu hoạch các cây trồng xen, nhanh chóng nhổ hết thân lá cây trồng xen, rải dọc theo chiều dài hàng mía, kết hợp bón phân thúc cho mía, xới giữa hai hàng mía để vùi lấp phân bón và thân lá cây trồng xen vào đất.

            + Cây trồng xen canh với cây mía: Tốt nhất (theo thứ tự ưu tiên) nên xen canh mía với cây đậu phộng (lạc), đậu xanh và một số cây ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng < 3 tháng khác như cây ớt, cây mè, dưa hấu,…

IV. QUẢN LÝ NƯỚC

m

                                  Tưới ống phun mưa                                                            Tưới tràn

- Tưới nước bổ sung hợp lý cho mía trong mùa khô ở các giai đoạn cần nước của cây mía: Tùy điệu kiện, có thể lựa chọn và áp dụng 1 trong 2 cách tưới như sau:

+ Tưới bằng phương pháp tưới phun mưa: Lượng tưới 400 m3/ha/lần tưới, thời gian giữa 2 lần tưới cách nhau 7 ngày ở giai đoạn mọc mầm, 10 ngày ở giai đoạn đẻ nhánh và 20 ngày ở giai đoạn đầu vươn cao.

+ Tưới bằng phương pháp tưới tràn: Tưới 1 lần/tháng, lượng tưới 1.000 m3/ha/lần tưới.

- Tiêu nước cho mía khi bị ngập úng: Nếu mía bị ngập úng quá 1 tuần, phải dùng bơm để tiêu thoát nước cho ruộng mía.

- Hạn chế thiệt hại cho mía do khô hạn bằng các biện pháp sau:

+ Tủ lá (không đốt lá sau thu hoạch) đối với mía gốc.

+ Pha chế phẩm sinh học oligochitosan với nước sạch ở nồng độ 100 mg/L và phun 1 lần với 400 lít nước oligochitosan đã pha/ha vào giai đoạn mía đầu vươn lóng.

+ Pha bột kaolin (Al2O3.2SiO2.2H2O) với nước sạch ở nồng độ 6% và phun 1 lần với 400 lít nước kaolin đã pha/ha vào thời điểm kết thúc đẻ nhánh, trước khi bắt đầu giai đoạn khô hạn. 

V. QUẢN DỊCH HẠI

1. Đối với sâu, bệnh hại

Áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:

- Xử lý hom trước khi trồng bằng dung dịch thuốc trừ nấm propiconazole ở nồng độ 0,1% (a.i.) và nano chitosan ở nồng độ 200 ppm, ngâm trong 15 phút.

- Định kỳ thăm đồng 15 ngày/lần ở giai đoạn mía 2 - 4 tháng tuổi, 1 tháng/lần ở giai đoạn mía trên 4 tháng tuổi. Khi đi mang theo 1 cái cuốc và 1 bình phun thuốc trừ sâu nhỏ đeo vai có chứa sẵn dung dịch thuốc trừ sâu diazinon hoặc trichlorfon (chlorophos) pha ở nồng độ 0,15% (a.i.), đi dọc theo hàng mía và quan sát kỹ, lần lượt tất cả các hàng mía trên lô ruộng, khi phát hiện thấy bụi mía có triệu chứng bị sâu gây hại hoặc nghi bị sâu gây hại như héo lá bên (do loài sâu đục thân mình tím gây hại), lá lốm đốm trắng (do loài sâu đục thân 4 vạch đầu vàng gây hại), héo đọt, khô lá (các loài sâu đục thân, sùng trắng, xén tóc), ngọn lá mía bị thui đen (do rầy đầu vàng, rệp xơ bông trắng),... thì dừng lại, mở vòi phun thuốc và phun thuốc tập trung vào bộ lá của bụi mía đó cho tới khi đẫm thuốc thì khóa vòi phun lại và đi tiếp cho tới khi hết lô ruộng. Khi phát hiện có bệnh than, bệnh trắng lá hoặc bệnh chồi cỏ thì dùng cuốc đào cả gốc bụi mía bị bệnh đem đi tiêu huỷ (chôn, đốt).

- Đánh, bóc lá 2 lần, kết hợp phun phân bón lá hoặc tưới gốc lúc mía 3 và 6 tháng tuổi. Lá mía sau khi bóc được dùng để che phủ giữa các hàng mía nhằm giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.

- Thả ong mắt đỏ liều lượng 50.000 ong/ha/lần thả, cứ 15 ngày thả ong 1 lần, thả từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 sau trồng (hoặc sau thu hoạch).

- Sau khi thu hoạch: Dùng máy băm lá mía băm sát gốc. Ngọn lá mía không đốt mà dùng để che phủ đất.

2. Đối với cỏ dại

m

Máy cào cỏ mía

Áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:

- Ngay sau khi trồng từ 1 - 5 ngày, phun thuốc trừ cỏ ametryn, lượng dùng 2,4 kg (a.i.)/ha.

- Sau khi bón phân thúc lần 1: Sử dụng máy xới trong hàng để diệt cỏ dại.

- Trước khi bón phân thúc lần 2: Phun 1 trong các loại thuốc trừ cỏ không chọn lọc, cùng công dụng với paraquat (đã bị cấm) gồm glyphosate, glufosinate-ammonium và diuron, theo liều dùng khuyến cáo của nhà sản xuất, hạn chế để thuốc tiếp xúc trực tiếp và gây hại cho cây mía.

Tải bài viết tại đây

TS. Cao Anh Đương             

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường




 


 


 



 


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
BÌNH LUẬN

Video
bình luận mới
Đoàn Quang Phong
Gửi TS Đỗ Ngọc Diệp Đọc bài viết của TS tôi rất tâm dắc.Vấn đề cơ gới hoá thu hoạch là khâu cấp thiết giá thành thu hoạch cụ thể giảm chi phí 70000/tấn, tận thu hầu hết nguyên liệu gốc, phần loại bỏ được trả lại cho đất. nói chung máy thu hoạch phải đạt những tính năng như TS đã nêu.Tôi xin giới thiệu với ông mô hình tôi đã mày mò(www.youtube.com/watch?v=N_YppX5wEq4),cần sự cộng tác để hoàn thành. Những bất cập trên mô hình chẳng qua chỉ thiếu vốn đầu tư mà thôi. Tôi mong rằng Viện nghiên cứu qua ông quan tâm. Tôi chỉ là nông dân trồng mía rất nhọc nhằn trong khâu thu hoạch nên quyết tâm suy nghĩ thế thôi. Rất mong được cơ quan, cá nhân có tâm huyết và khả năng tiếp nhân để sản xuất máy công cụ này. Rất mong được trao đổi
Nguyễn Thế Hữu
Chân thành cảm ơn Chú Diệp! Bài viết của Chú rất hữu ích và mang nhiều ý nghĩa thực tế trong ngành trồng mía hiện nay. Chúng cháu kính chúc Chú luôn dồi dào sức khỏe để còn dẫn lối nhiều hơn nữa cho ngành mía đường Việt Nam.
Nguyễn Thế Hữu
Dear quý Anh/Chị đồng nghiệp! Hiện nay tôi đã được 1 người thân giúp đỡ và lấy được những tài liệu dạng fulltext từ tạp chí chuyên xuất bản những nghiên cứu về cây mía "Sugar Tech", Anh/Chị nào cần file fulltext để tham khảo thêm thì liên hệ với tôi qua email: nthuu@hotmail.com hoặc số phone: 0983.832.776 Lưu ý: Anh/chị chỉ cần gửi tên đầy đủ của nghiên cứu qua email. Trân trọng!
Bùi Anh Văn
Gửi anh Đông anh có thể tải về và tham khảo tại đây: http://www.mediafire.com/?b9jl3g7272zh17e http://www.mediafire.com/view/?fr8e2frdhj60l2f
Phan Văn Toàn
Kính gửi Quý Viện Để muốn có các tài liệu nghiên cứu trên phải mua trên mạng với giá 20 - 40 USD, vì vậy Quý Viện có quỹ nào để mua và cung cấp cho đọc giả tham khảo kịp thời các tiến bộ kỹ thuật. Trân trọng cảm ơn! Sugar Tech June 2012 , Volume 14 , Issue 2 , pp 126-133 Wider Row Spacing in Sugarcane: A Socio-economic Performance Analysis T. Rajula Shanthy , GR Muthusamy Purchase on Springer.com $39.95 / €34.95 / £29.95 * * Final gross prices may vary according to local VAT.
lịch việt
quảng cáo tài trợ
Thống kê
25234
Tổng số khách đã viếng thăm