Đây là bước tiếp theo trong quá trình thực hiện điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN gồm: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam.

Chia sẻ thêm về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đại diện của doanh nghiệp mía đường Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương.

Ông Nguyễn Văn Lộc: Ngay từ khi bắt đầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan vào tháng 9/2020, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã quan sát thấy những hiện tượng lạ về nhập khẩu đường từ 5 nước ASEAN và Thái Lan vào Việt Nam. Khi Việt Nam bắt đầu thực thi hiệp định ATIGA (đầu năm 2020) đường từ các nước ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam không bị hạn ngạch, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN có số lượng không đáng kể. Số lượng này chỉ đồng loạt gia tăng đột biến sau khi có quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan vào ngày 21/09/2020.

 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Malaysia, một quốc gia không hề có vùng canh tác trồng mía cũng xuất khẩu đường mía sang Việt Nam với số lượng lớn. Tương tự, Indonesia là quốc gia trồng mía không đủ và phải nhập khẩu đường nay cũng xuất khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn theo giá bán thấp hơn hẳn giá bán trong nước. Campuchia, quốc gia không có vùng mía nguyên liệu lại xuất khẩu với giá thấp hơn cả giá bán của đường mía Thái Lan vốn đã hưởng trợ cấp và bán phá giá lên đến 47,64%.

Giá đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN nêu trên đều rất thấp, tương đương với giá đường Thái Lan thậm chí có trường hợp giá đường từ Campuchia còn thấp hơn giá đường Thái Lan. Sự gia tăng xuất khẩu đường vào Việt Nam của 5 quốc gia ASEAN nêu trên đều chắc chắn không phải từ lợi thế cạnh tranh, vì hoàn toàn không có đột biến gì về năng suất & công nghệ chế biến mía đường tại các quốc gia này trong thời gian qua. Mức độ gia tăng nhập khẩu này đã vượt xa mức gia tăng bình thường được quy định bởi Hệp định ATIGA.

Giá đường nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN thấp  hoàn toàn không phải do năng lực cạnh tranh (vì chỉ tương đương với chi phí mía trong đường) đã tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng với đường sản xuất trong nước. Đồng thời, làm giảm ảnh hưởng lớn đến đầu ra của đường sản xuất từ mía. Điều này có thể khiến cho nỗ lực nâng cao giá mía của ngành đường Việt Nam đến mức giá tương đương với các quốc gia trong khu vực không thể tiếp tục thực hiện được và gây ra hiện tượng kìm giá ép giá đối với đường sản xuất từ mía dẫn.

Những hiện tượng kể trên cho thấy có dấu hiệu của gian lận thương mại qua hành vi thay đổi xuất xứ cho đường có xuất xứ Thái Lan thành xuất xứ từ nước ASEAN khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của Việt Nam hoặc thay đổi xuất xứ của đường từ các quốc gia khác nếu nhập vào Việt Nam phải đóng thuế ngoài hạn ngạch.

Vì vậy, chúng tôi gửi đề nghị yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra để áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại khác để ngăn chặn hiện tượng này.

Ông Nguyễn Văn Lộc: Vụ việc đang ở giai đoạn đầu của điều tra. Chúng tôi mong muốn, đối với khả năng một số doanh nghiệp nước ngoài đang trục lợi phi pháp, lẩn tránh biện pháp phá giá nhờ gian lận chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định ATIGA, ta cần khẩn trương khởi động tiến hành kiểm tra, xác để ngăn chặn kịp thời gian lận xuất xứ. Đối với hành vi cố tình xuất khẩu đường trong nước giá rẻ hơn giá thành và bù đắp bằng đường nhập khẩu giá rẻ, ta cần khởi động điều tra về khả năng bán phá giá đối với các lô hàng xuất khẩu. Còn đối với hành vi thương mại nhập khẩu đường giá rẻ từ các nước ASEAN với khối lượng gia tăng vượt quá mức cho phép của hiệp định ATIGA, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và các Bộ, Ban ngành căn cứ các quy định trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế để có biện pháp thích hợp ngăn chặn hành vi cạnh tranh bất bình đẳng trong thời gian sớm nhất.

Kết quả điều tra sẽ có tác động đến việc củng cố chuỗi liên kết mía đường cho ngành mía đường Việt Nam. Ngành đường Việt Nam đã từng mong muốn người nông dân trồng mía được hưởng giá mua mía tương đương với nông dân trồng mía trong khu vực để người nông dân có đủ thu nhập và an tâm trồng mía phục hồi vùng nguyên liệu đã bị suy giảm trầm trọng vì tác động của đường phá giá trước đây.

Niên vụ mía 2021/2022 ngành mía đường Việt Nam đã cơ bản đưa được giá mía đến mức mong đợi (khoảng trên dưới 50 USD/tấn mía), nhưng giá đường từ mía đang bị dòng đường giá rẻ có dấu hiệu lẩn tránh phòng vệ thương mại nêu trên chèn ép không thể bán được. Nếu không kiểm soát được dòng đường giá rẻ này, chuỗi liên kết mía - đường sẽ bị đe dọa hủy hoại. Chúng tôi kỳ vọng kết quả điều tra sẽ đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng và minh bạch cho hoạt động sản xuất mía đường trong điều kiện hội nhập.

Ông Nguyễn Văn Lộc: Về phần mình, Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ ưu tiên cho những hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường trong hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam thông qua các biện pháp củng cố và cải tiến chuỗi liên kết mía đường bảo đảm lợi ích hài hòa của tất cả các bên liên quan.

Mục tiêu cụ thể là bảo đảm cho nông dân được hưởng giá mía tương đương với nông dân trồng mía các nước đã hội nhập ATIGA như Philippines và Indonesia nhưng giá đường thấp hơn giá đường tại các quốc gia này để vẫn đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Với năng lực hiện nay của ngành đường Việt Nam, Hiệp hội tự tin có thể thực hiện được mục tiêu này.

Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động giám sát các hoạt động gian lận thương mại ngành đường bao gồm các hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại và  đặc biệt đối với đường nhập lậu để kịp thời kiến nghị đến các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đối phó hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông./.