Đang nạp trang. Vui lòng đợi giây lát!
[13-03-2024] - LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO TCCS/VMĐ VỀ KHẢO NGHIỆM GIÁ TRỊ CANH TÁC VÀ GIÁ TRỊ SỬ DỤNG CỦA GIỐNG MÍA | [27-03-2023] - TB TUYỂN CHUYÊN GIA VÀ PHIÊN DỊCH VIÊN LÀM VIECJ TẠI CUBA | [24-03-2023] - ĐĂNG KÝ ỨNG VIÊN XÉT BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ NĂM 2023 | [24-03-2023] - Ban Thông tin và Đào tạo - VAAS | [30-08-2022] - Thông báo về việc cung cấp tài liệu tham khảo môn thi Kiến thức chung - Kỳ thi tuyển dụng viên chức làm việc tại Cơ quan Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc năm 2022 | [10-08-2022] - Thông báo tuyển dụng viên chức làm việc tại Cơ quan Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc năm 2022 | [18-04-2022] - Thông báo về việc tuyển dụng viên chức năm 2022 | [04-07-2014] - Viện Nghiên cứu Mía đường chính thức ra mắt Ngân hàng kiến thức trồng mía |
Xem TIN TỨC
Một số giải pháp khoa học kỹ thuật nâng cao Chất lượng mía nguyên liệu ở việt nam
Monday - 05-11-2012 | 09:51:53 AM

 1. Dẫn nhập

Định hướng phát triển cây mía ở nước ta đến năm 2020 bao gồm: Diện tích quy hoạch ổn định 300 ngàn ha; trong đó vùng nguyên liệu các nhà máy 220 ngàn ha. Bố trí 4 vùng trọng điểm Bắc Trung Bộ 80 ngàn ha, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 53 ngàn ha, Đông Nam Bộ 37 ngàn ha, đồng bằng sông Cửu Long 52 ngàn ha. Tập trung thâm canh, đảm bảo có tưới, sử dụng giống có năng suất, chữ đường cao và rải vụ, đưa năng suất mía vào năm 2020 đạt khoảng 80 tấn/ha. Tổng công suất ép của các nhà máy chế biến đường đạt 140.000 TMN, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu nội tiêu và có thể xuất khẩu. 

Nâng cao hiệu quả kinh tế của cây mía nói riêng và hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành mía đường nói chung là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên vừa có tính cấp bách cho sự phát tốn tại và triển của ngành mía đường Việt nam. Theo Báo cáo của Cục trồng trọt ngày 15 tháng 07 năm 2011 cho thấy diện tích sản xuất mía niên vụ 2010/2011 là 248761 ha, năng suất bình quân 60,5 tấn/ha, Sản lượng ước đạt 15045000 tấn. Chữ đường ở thời điểm thu hoạch tại ruộng khoảng 11CCS, tuy nhiên chữ đường chế biến chỉ còn 9,8 CCS. So với các nước sản xuất đường trong khu vực thì chất lượng mía nguyên liệu của Việt Nam còn rất thấp, đặc biệt là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Trong khuôn khổ của bài tham luận này, chúng tôi thảo luận về nguyên nhân chất lượng mía nguyên liệu hiện nay chưa cao và giải pháp nâng cao chất lượng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường.

2. Nguyên nhân chất lượng mía nguyên liệu còn thấp

2.1 Nguyên nhân về quản lý giống và chất lượng hom giống chưa tốt

Giống mía tốt, có tiềm năng năng suất và chất lượng cao là yếu tố tiền đề cho việc nâng cao năng suất và chất lượng mía nguyên liệu, đặc biệt nó càng có ý nghĩa quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu mà nước ta là một trong những nước bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu. Trong năm 2011 Viện nghiên cứu mía đường đã kết luận được 10 giống mía cho sản xuất thử, cụ thể: các giống mía K95-156, Suphanburi 7, K88-200, KK2, KU60-1, KU00-1-61 được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số 55/QĐ-TT-CCN ngày 22/02/2011 của Cục trưởng Cục Trồng trọt; các giống mía K88-200, K93-219, K95-84, LK92-11, Suphanburi 7, K88-92 được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số 573/QĐ-TT-CCN ngày 07/10/2011 của Cục trưởng Cục Trồng trọt. Tuy nhiên, hiện nay việc lựa chọn giống cho trồng trọt của người nông dân còn mang tính tự phát cao, nông dân chủ yếu trồng các giống mía cũ, trong đó một số giống tuy có tiềm năng về năng suất cao nhưng chất lượng chưa cao. Công tác khuyến cáo các giống mía mới có tiềm năng năng suất khá, chữ đường cao cho nông dân tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế, điều đó đã góp phần làm cho tỷ lệ giống cũ, chữ đường thấp còn chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất.

Rất khó có thể chọn được giống mía lý tưởng. Mặt khác, hiệu quả chế biến phụ thuộc vào hiệu suất tổng thu hồi và thời gian chế biến. Do đó, tuyển chọn giống đi đôi với cơ cấu giống nhằm: (1) Kéo dài thời gian chế biến đường, tránh thiếu thừa nguyên liệu mía giả tạo, (2) Tránh được rủi ro do thiên tai, dịch hại, (3) Các giống bổ sung ưu điểm và hạn chế nhược điểm cho nhau, (4) Phát huy tối đa tiềm năng năng suất và chất lượng mía. Cơ cấu giống mía sản xuất cho vùng được xây dựng dựa vào đặc điểm giống, tuổi mía, loại mía và thực trạng đồng ruộng, sau đó phân chia diện tích mía để nhà máy ép đạt hiệu quả cao. Thực tế hiện nay, việc xây dựng cơ cấu giống mía phù hợp và tổ chức thực hiện cho vùng nguyên liệu của mỗi nhà máy chế biến đường chưa được quan tâm đúng mức, gần như bị bỏ ngỏ, người nông dân tùy ý lựa chọn giống mía để trồng, gây ra những bất cập cho kế hoạch chế biến của nhà máy do hiện tượng trồng quá nhiều diện tích cho 1 giống giống mía dẫn đến khủng hoảng thừa do áp cần thu hoạch của giống đó trong thời gian ngắn nhất định, trong khi lại thiếu mía nguyên liệu có chất lượng cao, rải vụ cho chế biến.

Chất lượng hom giống phục vụ cho trồng mía nguyên liệu hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Người nông dân tự mua giống trôi nổi trên thị trường dẫn đến việc chất lượng hom giống không được đảm bảo, hom giống quá già, quá non, hom giống còn bị lẫn tạp, hay mang tiềm ẩn mầm mống sâu bệnh hại tạp cao, sức sống kém... Các yếu tố trên đã góp phần không nhỏ làm giảm sức sống của mía, dẫn đến chất lượng không được phát huy tốt, từ đó làm giảm chất lượng mía nguyên liệu.

 

2.2 Nguyên nhân về quản lý dịch hại và dinh dưỡng cây mía chưa tốt

Do sự biến đổi của khí hậu, dịch hại trên cây mía có xu hướng gia tăng và diễn biến khó lường. Hiện nay, chỉ riêng ở các tỉnh phía Nam, qua điều tra, chúng tôi đã phát hiện được 29 loài sâu hại, 24 loài bệnh hại, 4 loài tuyến trùng và 33 loài cỏ dại phổ biến trên ruộng mía. Việc quản lý các loài dịch hại này một cách không khoa học như sử dụng biện pháp hóa học quá nhiều để phòng trừ dịch hại đã gây hiệu quả ngược lại do thuốc hóa học tiêu diệt đối tượng dịch hại đồng thời tiêu diệt luôn cả “thiên địch” làm mất cân bằng sinh thái, trong khi lại sản sinh ra các chủng kháng thuốc dẫn đến dịch hại cùng nạn ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do tồn dư độc hại của thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng lên.

Thông thường, Việc bón phân hóa học quá nhiều, đặc biệt bón phân đạm quá mức dẫn đến hiện tượng đổ ngã, làm cây sinh trưởng không ngừng, rễ khí sinh phát triển mạnh, làm giảm chỉ số CCS, giảm độ tinh khiết của nước mía cùng với nguy cơ ô nhiễm nước ngầm bởi nitrat. Do vậy, tăng cường quản trị dinh dưỡng cây trồng, đặc biệt là phân đạm sẽ đạt được sự hài hòa giữa năng suất và chất lượng cũng như sự thân thiệt với môi trường. Để sản xuất 01 tấn mía, cây mía lất từ đất một lượng dinh dưỡng : Ở Ấn Độ để cho 1 tấn mía cây thì cây mía cần một lượng dinh dưỡng là 1,2 kg N; 0,46 kg P và 1,44 kg K. Ở Hawaii thì lượng dinh dưỡng đó là 0,48 kg N; 0,09 - 0,33 kg P và 0,75 kg K Nhu cầu CaO:  Để sản xuất 1 tấn mía cây lấy của đất từ 0,4 -0,7 kg CaO.

     Mía là cây cần rất nhiều nước nhưng lại rất sợ úng nước. Trong thân mía chiếm khoảng 70 % là nước. Để tạo thành 1 kg mía nguyên liệu mía cần 86 – 200 lít nước. Vào giai đoạn mía chín nhu cầu về nước giảm. Để thúc đẩy quá trình tích lũy đường, trong thời kỳ này cây mía cần điều kiện khô ráo, độ ẩm trong đất đạt không quá 60% độ ẩm tối đa. Nếu trong thời kỳ này mưa nhiều, hoặc đất thoát nước kém, độ ẩm đất quá cao sẽ làm cho mía chín chậm hơn, hàm lượng đường thấp.

2.3 Nguyên nhân về tổn thất chất lượng do thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch không đúng kỹ thuật

- Tổn thất về khối lượng do thu hoạch mía còn non, đang sinh trưởng mạnh, chưa thành thục (chín): Tổn thất khối lượng trong quá trình tồn trữ mía nguyên liệu còn phụ thuộc vào độ tuổi của mía. Mía còn non, vẫn còn sinh trưởng mạnh, chưa chín thường có hàm lượng nước cao, khả năng giữ nước của hệ keo trong tế bào kém nên thoát ra nhanh. Bên cạnh đó tổn thất chất khô do hô hấp cũng góp phần làm cho khối lượng giảm trong quá trình tồn trữ, cây mía non thông thường có tốc độ hô hấp cao hơn cây mía đã thành thục, thành thử hàm lượng chất khô cũng mất nhiều hơn làm cho khối lượng giảm nhanh hơn so với mía đã chín. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Minh Thủy (2010) cho thấy tổn thất khối lượng có thể tăng gấp 2 lần khi thu hoạch mía chưa thuần thục (tổn thất xảy ra khoảng 6% và 12% tương ứng đối với mía 9 tháng tuổi và mía 6 tháng tuổi). Sự giảm của CCS cũng phụ thuộc vào độ thành thục của mía, mía 6 tháng tuổi trong 10 ngày CCS giảm 29,84%, trong khi mía 9 tháng tuổi thu hoạch trong cùng 1 đều kiện thì CCS chỉ giảm 25,72%. Như vậy, nếu nông dân thu hoạch mía còn non, chưa chín sẽ dẫn đến năng suất và chất lượng mía sau thu hoạch càng giảm, điều này không những làm cho lợi nhuận của người nông dân trồng mía bị giảm mà còn làm giảm hiệu quả sản xuất của các nhà máy chế biến đường.  

- Tổn thất về khối lượng và chất lượng do thu hoạch mía cao gốc: Hiện nay, kỹ thuật chặt mía vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dụng cụ thu hoạch của nông dân chưa phù hợp, kỹ thuật thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức gây ra hiện tượng mía chặt cao gốc khá bổ biến dẫn đến việc thất thoát cả về năng suất và chất lượng mía nguyên liệu. Kết quả khảo sát thiệt hại do chặt gốc cao trên giống mía VN84-4137 của tác giả Lê Huy Thành và cộng sự trên 4 hợp đồng của nhà máy đường Nước Trong với 4 hộ Nông dân trồng mía có tổng diện tích 15,39 ha cho thấy mất mát sản lượng từ 3 tấn/ha đến 9,5 tấn/ha, trung bình là 7,6 tấn/ha. Như vậy, nếu chặt đúng kỹ thuật sát gốc sẽ đem lại lợi nhuận tăng thêm cho người nông dân trồng mía trung bình từ 5– 6 triệu đồng/ha, một con số đáng để chúng ta suy nghĩ. CCS bình quân tăng lên từ việc chặt sát gốc bình quân từ 0,2 -0,3 CCS đã làm tăng đáng kể hiệu suất thu hồi đường cho quá trình sản xuất, đem lại hiệu quả không nhỏ cho nhà máy chế biến. Giả thiết năng suất bình quân 70 tấn/ha (hiện nay chúng ta mới chỉ đạt 60,5 tấn/ha), thất thoát do chặt cao gốc, trung bình mất 10% sản lượng sẽ đòi hỏi chúng ta phải đầu tư trồng mới tăng thêm 7% diện tích mới đủ kế hoạch mía nguyên liệu cho sản xuất đây thực sự là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực cần đầu tư của xã hội như đất đai, tài chính, nguồn nhân lực ..., làm giảm hiệu quả cạnh tranh của ngành mía đường.

- Tổn thất do mía cháy: Hiện tượng mía bị cháy do nguyên nhân chủ quan và khách quan do con người đem lại cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chữ đường bị giảm, thông thường mía cháy trong vòng 24 giờ, chữ đường của mía đã giảm trung bình khoảng 1,5 CCS, trong khi tỷ lệ đường khử (RS) thì tăng cao hơn tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến tỷ lệ thu hồi đường của các nhà máy. Mía cháy cũng tạo nên áp lực rất lớn về công lao động và phương tiện vận chuyển và đảo lộn lịch thu hoạch, chế biến, gây khó khăn cho việc điều hành lịch thu hoạch và chế của các nhà máy đường. Ví dụ trong niên vụ mía 2010/2011, toàn tỉnh Tây Ninh có 6.493,1 ha mía cháy hoặc bị đốt trước khi thu hoạch, sản lượng mía cháy chiếm 31,2% tổng sản lượng mía ép toàn vụ. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm chữ đường của các nhà máy chế biến đường ở tỉnh Tây Ninh từ 0,39 CCS đến 1,35 CCS so với niên vụ 2009/2010.

 

Hình 1. Diễn biến CCS (%) của mía để trên ruộng sau thu hoạch (ngày)

- Tổn thất về khối lượng và chất lượng do thời gian tồn trữ kéo dài từ lúc thu hoạch đến lúc chế biến: Thời gian từ lúc mía được thu hoạch cho đến khi được chế biến có ảnh hưởng rất rõ rệt đến khối lượng và chất lượng mía nguyên liệu. Tổn thất khối lượng càng tăng khi thời gian tốn trữ càng dài. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, sau 24, 48, 72 và 96 giờ thu hoạch, mía đã giảm tương ứng là 4,44%, 6,31%, 10,59% và 14,28% về khối lượng (Solomon và ctv, 2000). Nguyên nhân tổn thất về khối lượng chủ yếu do mất nước vì hàm lượng nước trong cây mía khá cao và dễ khuyếch tán vào trong không khí. Về chất lượng, tổn thất sau thu hoạch phụ thuộc vào tuổi mía, thời tiết lúc thu hoạch mía, cách bảo quản sau thu hoạch. Theo Nguyễn Minh Thủy (2010), thông thường CCS giảm từ 1,5 đến 2 đơn vị sau 10 ngày tồn trữ. Thu hoạch trong điều kiện trời mưa, CCS giảm trên 23%, thu hoạch trong điều kiện trời nắng CCS giảm ít hơn. Kết quả nghiên cứu của Le Van Tan et al (2009) về diễn biến giảm CCS trong thời gian tốn trữ trên mía nguyên liệu trên đồng ruộng sau 1 ngày, 3 ngày và 5 ngày cho thấy sự tương ứng CCS giảm ở điều kiện không che phủ là 0,15; 0,59 và 2,26 đơn vị, trong khi ở điều kiên che phủ CCS giảm tương ứng là 0,08; 0,38 và 1,71 đơn vị (Hình 1). Do vậy, thu gom mía thành từng đống và che phủ trên đồng sau khi thu hoạch nếu không kịp vận chuyển là một công việc cần được quan tâm đúng mức khi chưa kịp vận chuyển về nhà máy để đảm bảo cho chất lượng mía nguyên liệu.

- Tổn thất trong quá trình chế biến đường: Việc thu hoạch mía quá non hoặc để ngọn mía quá dài (chặt trên mặt trăng) hay chặt mía quá dơ (tỷ lệ tạp chất cao) sẽ gây nên tổn thất rất lớn cho các nhà máy đường trong quá trình chế biến. Nhà máy đường sẽ phải tiêu tốn nhiều năng lượng và chi phí vô ích để chế biến những phần sản phẩm “vô dụng” này. Những tổn thất này sẽ nhân lên gấp bội theo thời gian tồn trữ mía từ khi thu hoạch đến khi chế biến. Theo Solomon và ctv (2000) ước tính tổng lượng đường bị mất (không thu hồi được) từ 1 tấn mía thu hoạch quá dơ hoặc để ngọn mía quá dài có thể lên tới 2,5 kg. Ngoài ra, nếu dây chuyền thiết bị chế biến đường trong nhà máy được vệ sinh kém, không sạch sẽ cũng có thể làm mất từ 5-25 kg đường trên đầu 1 tấn mía. Nguyên nhân tổn thất đường trong quá trình chế biến có thể do:

+ Tổn thất trực tiếp do hàm lượng đường khử cao kéo theo khả năng thu hồi đường saccaro thấp, đặc biệt khi mía được thu hoạch quá non hoặc để ngọn mía quá dài.

+ Mất đường do các quá trình trao đổi chất của các sản phẩm trung gian như dextran, polysaccharide,...

+ Mất đường do vi sinh vật chuyển hóa đường: Có 50 loài vi sinh vật chuyển hóa đường khác nhau tìm thấy trên bề mặt mía nguyên liệu không đốt lá trước thu hoạch và 17 loài trên mía có đốt lá trước thu hoạch. Trong đó có những loài vi sinh vật chuyển hóa đường rất “nổi tiếng” như vi khuẩn Leuconostoc mesenteroides, các loài nấm men như Saccharomyces, Torula, Pichia, hay vi khuẩn Pseudomonas, Bacillus cereus,... Chỉ 2 giờ sau khi thu hoạch là ta có thể dễ dàng tìm thấy các loài vi sinh vật này trong đoạn thân dài khoảng 6 inch ở mỗi đầu vết cắt. Các vi sinh vật này hoạt động mạnh tạo ra các loại axít như lactic, acetic, buteric,... và các loại sản phẩm tương tự dextran (một dạng hợp chất polysaccharide), gây hại cho quá trình chế biến, kết tinh và thu hồi đường saccaro của các nhà máy đường. Chỉ có 1 cách duy nhất để hạn chế hàm lượng dextran gia tăng là rút ngắn thời gian từ lúc mía thu hoạch đến khi được chế biến. Bởi, qua nghiên cứu người ta thấy rằng chỉ sau thu hoạch 29 giờ, hàm lượng dextran trong mía có thể tăng lên tới 3400%. Người ta cũng tính toán được rằng cứ 1g dextran sinh ra sẽ làm mất đi 4g đường saccaro. Còn cứ 1g axít sinh ra sẽ làm giảm từ 2,77 - 11,09 g đường saccaro (Solomon va ctv, 2000).

3. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng mía nguyên liệu.

3.1 Giải pháp về nâng cao hiệu quản lý giống mía và chất lượng hom giống

- Tăng cường công tác tuyển chọn giống mía có tiềm năng về năng suất khá, chữ đường cao và có thời gian giữ đường dài phục vụ cho sản xuất.

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến cáo nông dân đưa vào sản xuất thử các giống mía mới có chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép sản xuất thử năm 2011 theo Bảng 1. 

Bảng 1. Các giống mía mới được công nhận sản xuất thử năm 2011

TT

Giống mía

Năng suất (tấn/ha)

CCS (%)

Năm công nhận

Vùng được phép

sản xuất thử

1

KK2

80-100

12-13

2011

Trung Trung bộ

2

K88-92

100-120

>11

2011

Nam Trung bộ và Tây Nguyên

3

K88-200

100

12-13

2011

Đông Nam bộ và Nam Trung bộ

4

K93-219

> 100

10-13

2011

Đông Nam bộ

5

K95-84

> 110

>10

2011

Đông Nam bộ và Nam Trung bộ

6

K95-156

95-120

>12

2011

Tây Nam bộ, Đông Nam bộ,

7

LK92-11

> 100

>11

2011

Đông Nam bộ và Tây Nguyên

8

Suphanburi 7

> 115

12-13

2011

Tây Nguyên, Tây Nam bộ

và Nam Trung bộ

9

KU60-1

> 110

11-12

2011

Tây Nam bộ

10

KU00-1-61

> 108

11-12,5

2011

Tây Nam bộ

- Tổ chức xây dựng và quyết liệt chỉ đạo thực hiện cơ cấu giống hợp lý, có khả năng rải vụ chế biến tối đa và hiệu quả cao nhất cho vùng nguyên liệu của mỗi nhà máy chế biến. Tỷ lệ cơ cấu khuyến cáo như sau: (1) Diện tích mía để ép đầu vụ: 25 – 30%, (2) Diện tích mía để ép giữa vụ: 40 – 50%, (3) Diện tích mía để ép cuối vụ: 25 – 30%. Mỗi nhóm giống có từ 2 – 3 giống và mỗi giống dưới 30% tổng diện tích.

- Tổ chức hệ thống nhân và cung ứng mía giống mía nhằm nhằm cung cấp hom giống tốt cho trồng mía nguyên liệu, từ đó tăng cường thời gian khai thác giống thương phẩm và bảo quản tốt tính di truyền để giống có thể phát huy tối đa tiềm năng cho năng suất và chất lượng mía của giống. Hệ thống sản xuất và cung cấp mía giống bao gồm các cấp giống mía:  (1) Giống gốc: Do cơ quan nghiên cứu (Viện, Trung tâm) cung cấp dưới dạng hom 1 – 3 mắt mầm được xử lý (50oC/2 giờ), độ thuần 100%, (2) Giống cơ bản: Do cơ quan nghiên cứu (Viện, Trung tâm) cung cấp dưới dạng hom 1 – 3 mắt mầm được xử lý (50oC/2 giờ), độ thuần 100%, (3) Giống kiểm định: Do các Nhà máy đường, Trung tâm giống, cá nhân sản xuất và cung cấp giống có thể được xử lý (51oC/1 giờ hoặc 52oC/20 phút), độ thuần trên 98%, (4) Giống xác nhận: Do các tổ chức, cá nhân sản xuất và cung cấp giống độ thuần trên 98%.  Trong hệ thống sản xuất mía giống nên phòng trừ dịch hại bằng biện pháp tổng hợp (IPM).

3.2 Giải pháp về quản lý dịch hại và dinh dưỡng cây mía hợp lý

- Bón phân cân đối, hợp lý, đúng cách, đúng số lượng và chủng loại khuyến cáo của các nhà sản xuất: Sử dụng  hợp lý phân bón hợp lý theo hiện trạng của từng loại đất, từng loại giống mía và giai đoạn sinh trưởng của cây mía. Bón phân không  cân đối sẽ đến việc lãng phí không phát huy được tác dụng của phân, ngoài ra còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng cây trồng và môi trường sinh thái. Bón phân cân đối sẽ có tác dụng tốt như: Ổn định và cải thiện độ phì đất, bảo vệ đất chống xói mòn, rửa trôi. Tăng năng suất chất lượng mía và bảo vệ được nguồn nước, hạn chế chất thải gây độc hại cho môi trường.

- Ứng dụng hóa chất gây chín cho mía: Có thể sử dụng các loại hóa chất sau đây làm tăng chất lượng mía nguyên liệu

+ Phun K-Humate với liều lượng 2,0 lít/ha/lần phun; phun 2 - 3 lần, cách nhau 1 tháng vào đầu giai đoạn vươn cao của mía.

+ Phun GA3 với liều lượng 27 gr/ha/lần phun; phun 2 lần, cách nhau 1 tháng vào giai đoạn bắt đầu vươn lóng

+ Phun NPK (12-0-40+ 3 Ca) với liều lượng 1,5 kg/ha/lần. phun vào giai đoạn vươn lóng. Phun 2 lần cách nhau 1 tuần

+ Phun NPK (6-30-30) với liều lượng 1,5 kg/ha/lần phun. phun vào giai đoạn vươn lóng. Phun 2 lần cách nhau 1 tuần

     + Phun Glyphosate với liều lượng 0,3 kg a.i./ha vào trước khi thu hoạch 4-5 tuần

+ Phun  N-(phosphonomethyl)glycine 520 ppm ở thời điểm 45 ngày trước khi thu hoạch.

- Phổ biến và từng bước triển khai áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp  ( IPM ) cho cây mía để hạn chế thiệt hại về chữ đường.

3.3 Giải pháp về thu hoạch và bảo quản mía nguyên liệu sau thu hoạch

Để giảm thiểu tổn thất về chất lượng và khối lương mía nguyên liêu thu hoạch cần phải thực hiện các giải pháp sau:

- Triển khai áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu. QCVN 01-98: 2012/BNNPTNT được ban hành theo thông tư số 29/2012/TT-BNNPTNT, ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo quy chẩn này, chữ đường ≥ 9 CCS, tạp chất ≤ 3%.

- Thu hoạch khi mía đã thành thục (mía chín), không thu hoạch khi mía chưa chín và cũng không để mía vượt qua giai đoạn chín (tùy theo giống, điều kiện thời tiết mà hàm lượng đường trong thân khi mía chín có thể giữ vững khoảng 1 đến 2 tháng), quá lứa chuyển sang giai đoạn bị suy tàn hoặc do tái sinh trở lại. Tăng cường ứng dụng tin học và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý thu hoạch để thu hoạch được mía trên từng lô ruộng, từng giống mía đúng lúc mía chín hoặc có hàm lượng đường cao nhất;

- Tăng cường giám sát kỹ thuật thu hoạch, đảm bảo chặt sát gốc. Cần nghiên cứu thay đổi dụng cụ, phương pháp và thiết bị thu hoạch để mía được chặt sát đất hơn.

- Khi chặt xong mà chưa có phương tiện vận chuyển ngay thì cần phải tiến hành xếp mía ra ngoài bờ lô và che phủ.

- Nghiêm cấm việc đốt mía trước khi thu hoạch. Thu hoạch xanh phải được tôn chỉ trong hành động vì nó đảm bảo “Mía tươi” nên ít bị hao hụt về chất lượng mía nguyên liệu.

- Không ngâm mía trong nước sau thu hoạch.

- Tổ chức nhịp nhàng việc đốn chặt và vận chuyển về nhà máy chế biến, giảm tới mức thấp nhất thời gian để mía trên đồng ruộng, không được để mía quá 2 ngày sau khi thu hoạch.

- Cần bãi bỏ các chính sách bao chữ đường, bao tạp chất, đồng thời ban hành các chính sách thưởng cho người bán mía có mía thu hoạch sạch, tạp chất ít.

- Vệ sinh sạch sẽ dây chuyền thiết bị chế biến đường bằng các chất khử trùng phổ rộng như chlorine, ammonium bifluoride, formaldehyde (37-40%), hydrogen peroxide, thiocarbamates, ... và duy trì pH nước mía từ 5,2 – 5,5

 

TS. Nguyễn Đức Quang, TS. Cao Anh Đương, TS. Lê Quang Tuyền

Viện Nghiên cứu Mía Đường

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
BÌNH LUẬN

Video
bình luận mới
Đoàn Quang Phong
Gửi TS Đỗ Ngọc Diệp Đọc bài viết của TS tôi rất tâm dắc.Vấn đề cơ gới hoá thu hoạch là khâu cấp thiết giá thành thu hoạch cụ thể giảm chi phí 70000/tấn, tận thu hầu hết nguyên liệu gốc, phần loại bỏ được trả lại cho đất. nói chung máy thu hoạch phải đạt những tính năng như TS đã nêu.Tôi xin giới thiệu với ông mô hình tôi đã mày mò(www.youtube.com/watch?v=N_YppX5wEq4),cần sự cộng tác để hoàn thành. Những bất cập trên mô hình chẳng qua chỉ thiếu vốn đầu tư mà thôi. Tôi mong rằng Viện nghiên cứu qua ông quan tâm. Tôi chỉ là nông dân trồng mía rất nhọc nhằn trong khâu thu hoạch nên quyết tâm suy nghĩ thế thôi. Rất mong được cơ quan, cá nhân có tâm huyết và khả năng tiếp nhân để sản xuất máy công cụ này. Rất mong được trao đổi
Nguyễn Thế Hữu
Chân thành cảm ơn Chú Diệp! Bài viết của Chú rất hữu ích và mang nhiều ý nghĩa thực tế trong ngành trồng mía hiện nay. Chúng cháu kính chúc Chú luôn dồi dào sức khỏe để còn dẫn lối nhiều hơn nữa cho ngành mía đường Việt Nam.
Nguyễn Thế Hữu
Dear quý Anh/Chị đồng nghiệp! Hiện nay tôi đã được 1 người thân giúp đỡ và lấy được những tài liệu dạng fulltext từ tạp chí chuyên xuất bản những nghiên cứu về cây mía "Sugar Tech", Anh/Chị nào cần file fulltext để tham khảo thêm thì liên hệ với tôi qua email: nthuu@hotmail.com hoặc số phone: 0983.832.776 Lưu ý: Anh/chị chỉ cần gửi tên đầy đủ của nghiên cứu qua email. Trân trọng!
Bùi Anh Văn
Gửi anh Đông anh có thể tải về và tham khảo tại đây: http://www.mediafire.com/?b9jl3g7272zh17e http://www.mediafire.com/view/?fr8e2frdhj60l2f
Phan Văn Toàn
Kính gửi Quý Viện Để muốn có các tài liệu nghiên cứu trên phải mua trên mạng với giá 20 - 40 USD, vì vậy Quý Viện có quỹ nào để mua và cung cấp cho đọc giả tham khảo kịp thời các tiến bộ kỹ thuật. Trân trọng cảm ơn! Sugar Tech June 2012 , Volume 14 , Issue 2 , pp 126-133 Wider Row Spacing in Sugarcane: A Socio-economic Performance Analysis T. Rajula Shanthy , GR Muthusamy Purchase on Springer.com $39.95 / €34.95 / £29.95 * * Final gross prices may vary according to local VAT.
lịch việt
quảng cáo tài trợ
Thống kê
34945
Tổng số khách đã viếng thăm