Đang nạp trang. Vui lòng đợi giây lát!
[13-03-2024] - LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO TCCS/VMĐ VỀ KHẢO NGHIỆM GIÁ TRỊ CANH TÁC VÀ GIÁ TRỊ SỬ DỤNG CỦA GIỐNG MÍA | [27-03-2023] - TB TUYỂN CHUYÊN GIA VÀ PHIÊN DỊCH VIÊN LÀM VIECJ TẠI CUBA | [24-03-2023] - ĐĂNG KÝ ỨNG VIÊN XÉT BỔ NHIỆM CHỨC DANH GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ NĂM 2023 | [24-03-2023] - Ban Thông tin và Đào tạo - VAAS | [30-08-2022] - Thông báo về việc cung cấp tài liệu tham khảo môn thi Kiến thức chung - Kỳ thi tuyển dụng viên chức làm việc tại Cơ quan Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc năm 2022 | [10-08-2022] - Thông báo tuyển dụng viên chức làm việc tại Cơ quan Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc năm 2022 | [18-04-2022] - Thông báo về việc tuyển dụng viên chức năm 2022 | [04-07-2014] - Viện Nghiên cứu Mía đường chính thức ra mắt Ngân hàng kiến thức trồng mía |
Xem TIN TỨC
THÀNH TỰU VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU GIỐNG MÍA Ở VIỆT NAM
Tuesday - 15-05-2018 | 02:57:56 PM

Trong 10 năm gần đây, mặc dù năng suất mía bình quân ở nước ta đã được nâng lên đáng kể, từ mức 50,9 tấn/ha vụ 2005-2006 lên đạt 64,4 tấn/ha vụ 2015-2016, tăng trung bình hơn 1,35 tấn/ha/năm, cao hơn 6,5 lần so với mức tăng bình quân của thế giới (0,2 tấn/năm) và gần 2 lần so với của Thái Lan trong cùng thời kỳ (0,77 tấn/ha). Tuy nhiên, so với bình quân của thế giới, của một số vùng và quốc gia trong khu vực xung quanh (Bảng 1), năng suất mía của ta vẫn thuộc nhóm trung bình thấp, năm 2016 chỉ đứng thứ 44 của thế giới,  thấp hơn so với bình quân của thế giới khoảng 7,0 tấn/ha, của khu vực Đông Nam Á khoảng là 4,0 tấn/ha, của Trung Quốc khoảng 10,0 tấn/ha, của Thái Lan khoảng 1,8 tấn/ha, của Úc khoảng 13,3 tấn/ha và của Guatamala (nước có năng suất mía cao nhất thế giới) khoảng 65,4 tấn/ha.

Bảng 1. Đối sánh năng suất mía nguyên liệu bình quân của Việt Nam năm 2016

với một số Quốc gia và Châu/vùng trên thế giới

Quốc gia/vùng

Năng suất mía bình quân (tấn/ha)

I- CHÂU/VÙNG:

 

1. Vùng Trung Mỹ

83,9

2. Vùng Bắc Mỹ

80,8

3. Vùng Nam Mỹ

75,0

4. Vùng Đông Nam Á

67,6

5. Thế giới

70,6

6. Châu Á

67,0

7. Châu Phi

58,6

II- QUỐC GIA:

 

1. Guatemala

129,0

2. Senegal

118,1

3. Ai Cập

115,0

4. Peru

112,1

5. Malawi

107,6

6. Chad

102,9

7. Zambia

102,8

8. Burkina Faso

100,5

9. Swaziland

96,5

10. Nicaragua

91,9

11. El Salvador

91,0

12. Colombia

88,7

13. Portugal

88,3

14. French Polynesia

85,7

15. Syria

83,0

16. Honduras

82,8

17. Ecuador

82,8

18. Kenya

81,7

19. United States

80,8

20. Iran

80,3

25. Úc

76,9

29. Trung Quốc

73,5

33. Ấn Độ

70,4

37. Thái Lan

65,4

39. Malaysia

65,2

44. Việt Nam

63,6 

50. Indonesia

57,5

54. Philippines

54,5

(Nguồn: Theo FAOSTAT, 2018)

Đặc biệt, chất lượng mía nguyên liệu của ta hiện nay cũng ở mức khá thấp, so với Thái Lan luôn thấp hơn từ 1,0 – 2,0 CCS.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, trong đó nguyên nhân luôn được đề cập đến đầu tiên là do yếu tố giống, trong khi các yếu tố khác như quy mô sản xuất, kỹ thuật canh tác, tưới nước, phân bón, cơ giới hóa, bảo vệ thực vật,… cũng như các chính sách quản lý, điều hành ngành mía đường đi kèm lại chưa được coi trọng đúng mức.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam đã chính thức thực hiện Hiệp định ATIGA từ tháng 1/2018, để có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh được với các nước trong khu vực, đòi hỏi ngành mía đường Việt Nam phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới cả về chính sách, kinh tế và kỹ thuật, trong đó công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mía đường nói chung, công tác giống mía nói riêng phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Trong khuôn khổ báo cáo này, chúng tôi sẽ đề cập chủ yếu đến lịch sử phát triển, thành tựu và thực trạng công tác giống mía ở Việt Nam, cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu và phát triển giống mía ở Việt Nam trong thời gian tới, nhất là giai đoạn từ nay đến 2020 và định hướng đến 2030.

1. Sơ lược lịch sử nghiên cứu và phát triển giống mía ở Việt Nam

Giống cây trồng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ có tiến bộ về giống, chúng ta đã chủ động về thâm canh, tăng vụ nhiều loại cây trồng như lúa, ngô, lạc, cây ăn quả,… trong đó có cây mía.

Hiện nay, do ngành công nghiệp chế biến đường phát triển mạnh, nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, sức ép vì giá đường thấp càng tăng thì yêu cầu về giống mía tốt, năng suất cao, chín rải vụ ngày càng bức xúc. Giống mía đã và đang đòi hỏi được tuyển chọn, lai tạo, khuyến cáo cụ thể cho từng vùng, từng chân đất của vùng nguyên liệu các nhà máy.

Giống mía hiện có ở nước ta khá phong phú, từ các giống mía hoang dại còn tồn tại ở một số vùng như mía lau, mía gie, mía đế,… đến các giống mía được lai tạo tại Việt Nam hoặc có nguồn gốc từ nhiều nước khác trên thế giới.

Dưới thời Pháp thuộc, ngoài những giống mía dại, giống địa phương được tuyển chọn, trồng để ăn tươi và ép đường mật, bắt đầu xuất hiện một số giống nhập nội từ nước ngoài như POJ (Indonesia), Co (Ấn Độ) và F (Đài Loan) trong vùng nguyên liệu mía.

Từ thập kỷ 1960 đến trước ngày giải phóng miền Nam (1975), bộ giống mía trong nước đã được bổ sung thêm nhiều các giống nhập nội. Ngoài các giống mía dại, giống địa phương như mía vàng, mía đỏ, mía tre,… chủ yếu dùng để ép đường mật, các giống mía nhập nội như: POJ3016, POJ2878, Co290, Co300, Co421, Co419, CP49/50, F108, F134, NCo310,… đã được trồng rộng rãi ở các vùng nguyên liệu mía và sử dụng chủ yếu để sản xuất đường ăn tại các nhà máy đường công nghiệp hiện đại.

Từ năm 1975 đến hết thập kỷ 1980, ngành mía đường trong nước được khuyến khích phát triển, các Viện, Trung tâm nghiên cứu trong nước đã nhập nội và tuyển chọn thêm được nhiều giống mía từ nguồn nhập nội, trong đó đáng chú ý nhất là các giống như: My55-14, C819-67, Ja60-5 từ Cuba, F156, F154 từ Đài Loan, Co715, Co775 từ Ấn Độ,…

Từ năm 1990 đến nay, đặc biệt là sau khi Chương trình 1 triệu tấn đường được chính thức phê duyệt năm 1995, hàng chục giống mía mới có nguồn gốc từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp,… được nhập nội, bổ sung vào cơ cấu giống và được trồng rộng rãi, đều khắp các vùng mía của các nhà máy đường trên cả nước. Một số giống mía có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với điều kiện canh tác ở một số vùng mía như My55-14, F156, ROC10, ROC16, VĐ86-368, QĐ11, R570, K84-200, K88-92, Suphanburi 7, LK92-11… đã được công nhận giống và cho phép phổ biến rộng rãi ra sản xuất. Bên cạnh đó, công tác lai tạo giống mía trong nước, vốn được khởi động từ năm 1965, sau đó được Cuba giúp đỡ khôi phục và phát triển thêm từ năm 1982 cũng bắt đầu thu được kết quả, một số giống mía lai Việt Nam tốt như VN84-4137, VN84-422, VN85-1427, VN85-1859, VN09-108, VN08-270,… đã được công nhận và cho phép phổ biến rộng.

Theo quy luật phát triển chung về giống mía ở một quốc gia, từ chỗ ban đầu sử dụng chủ yếu các giống mía dại và giống mía địa phương, chuyển dần sang sử dụng chủ yếu các giống mía nhập nội, rồi sử dụng hỗn hợp cả giống nhập nội và giống lai tạo trong nước như ở Việt Nam hiện nay. Trong thời gian tới, các giống mía lai tạo trong nước cần đóng vai trò lớn hơn nữa và phải đạt được các tiêu chí năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với từng vùng sinh thái trong cả nước, đem lại hiệu quả cao và phù hợp thị hiếu của người trồng mía mới có thể dần dần thay thế cho các giống nhập nội và tiến tới thay thế hoàn toàn nguồn giống nhập nội, trở thành nguồn giống duy nhất của ngành mía đường. Chỉ khi nào tạo ra được bộ giống mía riêng của Việt Nam, do Việt Nam lai tạo, phù hợp với từng vùng đất thì ngành sản xuất mía đường mới hội đủ điều kiện đi vào thế phát triển ổn định.  

2. Thực trạng công tác giống mía ở Việt Nam

2.1 Kết quả nghiên cứu giống mía

            Kể từ sau khi chương trình 1 triệu tấn đường ra đời cách đây 23 năm, thông qua 2 con đường chủ yếu là nhập nội và lai tạo trong nước, ngành mía đường đã lai tạo, tuyển chọn, đề nghị và được công nhận được trên 60 giống mía mới. Trong đó, chỉ tính riêng từ 2011 đến nay đã công nhận được 22 giống mía mới (Bảng 2).

Bảng 2. Danh sách các giống mía được công nhận sản xuất thử và chính thức

từ 2011 đến nay

TT 

Tên giống mía 

Cơ quan tác giả

Năm công nhận

Hình thức công nhận

Vùng được

công nhận

1

KK2

SRI

2011

SX thử

Trung Trung bộ

2

K83-29

QNS

2014

SX thử

Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên

3

K88-92

SRI, QNS

2011, 2013

SX thử

Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ

4

K88-200

SRI

2011, 2013

SX thử

Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ

5

K93-219

SRI

2011

SX thử

Đông Nam bộ

6

K95-84

SRI

2011

SX thử

Đông Nam bộ và Nam Trung bộ

7

K95-156

SRI

2011

SX thử

Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và một số khu vực thoát nước tốt ở Tây Nam bộ

2015

Chính thức

Nam Trung bộ, Đông Nam bộ

và Tây Nam bộ

8

LK92-11

SRI

2011, 2017

SX thử

Đông Nam bộ và Tây Nguyên

9

Suphanburi7

SRI

2011 

SX thử 

Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Nam Trung bộ

2015

Chính thức

Nam Trung bộ và Tây Nam bộ

10

KU60-1

SRI

2011

SX thử

Tây Nam bộ

11

KU00-1-61

SRI

2011

SX thử

Tây Nam bộ

12

HB1 (ROC23)

AGI

2013

Chính thức

Các tính phía Bắc

13

ROC26

AGI

2013

Chính thức

Các tỉnh phía Bắc

14

K83-29

QNS

2014

SX thử

Miền Trung và Tây Nguyên

15

QN-01

TTKKNMT

2015

SX thử

Miền Trung và Tây Nguyên

16

LS1

Lacuco, AGI

2015

SX thử

Bắc Trung bộ

17

LS2

Lacuco, AGI

2015

SX thử

Bắc Trung bộ

18

VN09-108

SRI

2015

SX thử

Nam Trung bộ

và Tây Nguyên

19

KU00-1-58

SRI

2015

SX thử

Vùng gò đồi Nam Trung bộ

20

VĐ00-236

ASINCV

2015

SX thử

Bắc Trung bộ

21

KK3

SRI

2017

SX thử

Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ

22

VN08-270

SRI

2018

SX thử

Tây Nam bộ

2.2 Hiện trạng cơ cấu bộ giống mía

Kết quả điều tra, khảo sát trong niên vụ 2014-2015 của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (2016) trong Bảng 3 cho thấy cả nước hiện có trên 62 giống mía có tên và nhiều giống mía cũ hoặc mới khác (chưa rõ tên) đang trồng trong sản xuất. Trong đó có 45 giống có diện tích trồng đạt trên 100 ha, 26 giống có diện tích trồng đạt trên 1.000 ha, 15 giống có diện tích trồng đạt trên 5.000 ha, 11 giống có diện tích trồng đạt trên 10.000 ha và 4 giống có diện tích trồng đạt trên 20.000 ha.

Bảng 3. Diện tích trồng các giống mía trong niên vụ 2014-2015

STT

Tên giống

DT (ha)

STT

Tên giống

DT (ha)

STT

Tên giống

DT (ha)

1

K95-84

23.185

23

KPS01-25

1.730

45

LiễuThành

101

2

ROC16

22.737

24

KU60-1

1.627

46

ROC1

98

3

Suphaburi 7

22.723

25

K94-2

1.604

47

QĐ15

95

4

LK92-11

22.495

26

K2000-89

1.053

48

KU60-3

69

5

ROC10

19.752

27

ROC26

902

49

KK2

59

6

K88-92

16.783

28

K99-72

895

50

QT02-901

53

7

My5514

16.275

29

UTHONG4

757

51

KK6

42

8

R570

14.709

30

K88-200

709

52

VN85-1427

41

9

ROC22

13.299

31

YT006

633

53

ROC24

27

10

K84-200

12.050

32

VĐ55

563

54

UTHONG5

21

11

K95-156

10.537

33

VĐ63-237

530

55

K94-32

17

12

VĐ00-236

8.743

34

VĐ86-368

404

56

VN09-108

15

13

VĐ93-159

8.277

35

KK4

368

57

DLM24

10

14

QĐ21

7.354

36

ROC23

328

58

VN09-149

5

15

R579

5.984

37

KU00-1-58

298

59

K90-77

5

16

K93-219

4.828

38

VĐ79-177

295

60

K95-283

2

17

KK3

4.761

39

K93-236

282

61

K93-347

1

18

K88-65

2.821

40

UTHONG3

259

62

MyM20-455

1

19

K83-29

2.411

41

UTHONG8

180

63

Giống cũ khác

19.253

20

VN84-4137

2.398

42

Co775

149

64

Giống mới khác

619

21

K2000

2.397

43

QĐ11

128

     

22

Viên Lâm

1.997

44

ROC28

121

 

TỔNG CỘNG

280.863

 (Nguồn: Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, 2016)

 Về cơ cấu giống mía, qua Hình 1 chúng ta có thể thấy rằng các giống mía nhập nội từ nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu bộ giống mía ở Việt Nam. Trong đó các giống mía có nguồn gốc Thái Lan (K, LK, KK, Uthong, Suphanburi) chiếm tỷ lệ cao nhất (48,1%), tiếp đến là các giống mía có nguồn gốc từ  Đài Loan (ROC, F) chiếm 20,4%; từ Trung Quốc (VĐ, QĐ, VL, LT) chiếm 1 3,5%; từ  Cuba (My, Ty) chiếm 8,5% và từ Pháp (R) chiếm 7,4%; Giống mía do Việt Nam lai tạo mới chỉ chiếm 2,1% trong cơ cấu bộ giống mía ở Việt Nam. Số liệu này đã chỉ rõ rằng ngành mía đường Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển theo quy luật chung của thế giới.

m

Hình 1. Cơ cấu bộ giống mía toàn quốc niên vụ 2014-2015

Có thể nói, ngành mía đường Việt Nam tuy đã có từ lâu đời, nhưng mới chỉ phát triển mạnh kể từ sau khi có Chương trình 1 triệu tấn đường ra đời năm 1995. Do vậy việc kế thừa và áp dụng các kết quả nghiên cứu của các nước đi trước ở trong khu vực và thế giới là điều tất yếu, nhất là trong công tác giống mía. Trong khi công tác tác lai tạo và và phát triển các dòng, giống mía lai trong nước cần tiếp tục đặc biệt quan tâm, đầu tư và thúc đẩy phát triển mạnh. Trước mắt, việc tiếp tục nhập nội, khảo nghiệm và đưa nhanh các giống mía tốt của nước ngoài vào sản xuất đại trà vẫn là giải pháp quan trọng để nâng năng suất, chất lượng mía và hiệu quả sản xuất mía đường trong nước nhất là trong bối cảnh hiện nay. Trong thời gian qua, chính nhờ Nhà nước cũng như doanh nghiệp tích cực nhập nội các giống mía tốt từ nước ngoài, đặc biệt là việc nhập giống ở các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Philippin,... mà cơ cấu bộ giống mía ở nước ta trong mấy năm gần đây được đổi mới nhanh chóng và đa dạng. Đến thời điểm hiện nay, nếu so sánh cơ cấu bộ giống mía ở nước ta với các nước xung quanh, có thể thấy rằng hầu hết các giống mía tốt, mới của thế giới và khu vực đều đã được chúng ta nhập nội, khảo nghiệm, tuyển chọn và phổ biến vào sản xuất (Hình 2). Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích trồng các giống mía mới còn khá thấp. Trong khi đó, do hầu hết các vùng mía đều không có tưới, thường xuyên bị khô hạn, đặc biệt ở vùng miền Trung chủ yếu trồng trên vùng đất đồi núi nên một số giống mía tuy không còn mới, nhưng có khả năng chịu hạn, tái sinh, lưu gốc tốt như LK92-11, KK3, Suphanburi 7, ROC16,... vẫn tiếp tục tồn tại do chưa có giống mới khác thay thế nên vẫn chiếm một tỷ lệ diện tích trồng đáng kể trong cơ cấu.

Bên cạnh bất cập về sự phụ thuộc “hơi” quá đáng vào nguồn giống mía nhập nội từ nước ngoài, cơ cấu bộ giống mía ở hầu hết các vùng sinh thái ở nước ta cũng còn nhiều bất cập khác như: chưa cân đối giữa các nhóm giống chín sớm, chín trung bình và chín muộn; đang thiếu trầm trọng các giống mía chịu hạn; trong khi đó ở một số vùng mía đặc thù cũng đang thiếu một số nhóm giống chịu ngập, úng, phèn, mặn hoặc chống chịu sâu, bệnh và các điều kiện bất thuận khác. Chính vì không chủ động được khâu giống nên các khâu khác đi theo sau như bón phân, cơ giới hóa, thủy lợi hóa,... hiện đang rất thụ động, không theo kịp yêu cầu thâm canh của giống dẫn tới hiệu quả sử dụng giống chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng của giống. Ngoài ra, do phương thức đầu tư, thu mua mía nguyên liệu của đa số các nhà máy đường hiện chưa hợp lý, việc xác định chữ đường chưa thật sự minh bạch nên cũng dẫn đến một số tập quán sử dụng giống bất hợp lý, gây thiệt hại đáng kể cho cả người trồng mía và nhà máy đường.

mHình 2. So sánh cơ cấu giống mía ở Việt Nam với một số nước trên thế giới

2.3 Quản lý Nhà nước về giống mía

Cũng như các cây trồng khác, hiện nay ở Việt Nam, công tác quản lý Nhà nước về giống mía được giao chủ yếu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, từ khâu nghiên cứu, lai tạo giống, khảo nghiệm, khu vực hoá giống, sản xuất, phân phối giống, kiểm tra, kiểm nghiệm giống từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý Nhà nước về công tác giống cây trồng nói chung, giống mía nói riêng thời gian qua còn thiếu thống nhất về chủ trương, chính sách và chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

2.3.1 Nhập nội giống mía từ nước ngoài

Thời gian qua, do yêu cầu phát triển quá nhanh của ngành mía đường, chúng ta đã quá chú trọng tới việc nhập nội giống từ nước ngoài mà gần như “bỏ quên” công tác nghiên cứu, lai tạo và phát triển các giống mía trong nước. Việc nhập nội giống mía từ nước ngoài là một yêu cầu tất yếu đối với một ngành mía đường non trẻ như Việt Nam. Tuy nhiên việc nhập khẩu giống và quản lý giống mía sau nhập khẩu trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và cần phải xem xét lại như khối lượng từng giống nhập về quá nhiều là không cần thiết và quá lãng phí vì mía chủ yếu được nhân bằng phương pháp vô tính, chỉ cần sau 1 năm, với phương pháp nhân giống 1 năm 2 vụ đơn giản có thể đạt hệ số nhân từ 10 – 15 lần, còn nếu áp dụng phương pháp nuôi cấy mô có thể đạt được hệ số nhân gấp hàng trăm lần. Trong khi đó, việc kiểm dịch, kiểm soát sâu bệnh hại tại cửa khẩu và sau nhập khẩu rất khó thực hiện, do mía giống nhập khẩu thường được vận chuyển qua các cửa khẩu đường bộ bằng các xe tải cỡ lớn, sau khi nhập khẩu, mía giống được đưa đi trồng ở nhiều nơi, thậm chí ở ngay trong các vùng mía nguyên liệu tập trung có diện tích lớn mà không hề được cách ly chặt chẽ. Do đó, nếu để xảy ra các dịch bệnh mới phát sinh như bệnh chồi cỏ mía ở Nghệ An, bệnh trắng lá ở vùng Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, sâu đục thân 4 vạch loài mới ở Tây Ninh,... sẽ rất khó kiểm soát.

2.3.2 Khảo nghiệm, công nhận giống

Từ năm 1997 chúng ta đã ban hành quy phạm khảo nghiệm giống mía số 10 TCN 298-97, đến năm 2013 được thay thế bằng Quy chuẩn QCVN 01-131:2013/BNNPTNT ban hành theo Thông tư số 33/2013/TT-BNNPTNT ngày 21/06/2013. Các quy định về khảo nghiệm, đặt tên và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới như các quyết định số 52/2003/QĐ/BNN, số 19/2006/QĐ-BNN, số 95/2007/QĐ-BNN),... và cao nhất là Pháp lệnh giống cây trồng (2004) cũng lần lượt được ban hành và áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên việc áp dụng thực hiện các quy định trong các văn bản nêu trên trong thời gian qua đối với công tác giống mía cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Nhiều giống mía mới sau khi được nhập nội từ nước ngoài, chưa hề thông qua khảo, kiểm nghiệm, công nhận giống và cho phép kinh doanh đã được nông dân và các doanh nghiệp đưa ngay vào trồng trọt, nhân giống, mua bán, phố biến nhanh ra sản xuất đại trà và liên tục sử dụng trên diện tích rộng, nhưng hầu như ít bị các cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt hay “tuýt còi” cảnh báo. Trong khi đó, các giống mía mới lai tạo trong nước hoặc được nhập khẩu chính thức với khối lượng ít thông qua con đường trao đổi nguồn gen từ nước ngoài, cách nhập nội giống mía phổ biến nhất trên thế giới, theo quy định hiện hành, sau đó đều phải trải qua quá trình sơ tuyển ít nhất là 1 năm, chọn dòng từ 3-5 năm, khảo nghiệm cơ bản từ 2-3 năm, khảo nghiệm sản xuất từ 2-3 năm (đối với các giống mía lai trong nước); hoặc qua giai đoạn kiểm dịch và giám định giống từ 1-2 năm, sơ tuyển 1 năm, khảo nghiệm cơ bản từ 2-3 năm, khảo nghiệm sản xuất từ 2-3 năm (đối với các giống mía nhập nội). Sau đó nếu được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép sản xuất thử mới tiếp tục được đưa đi sản xuất thử nghiệm trong khoảng 3 năm. Cuối cùng, nếu giống mía đó được công nhận giống cây trồng mới và được đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh thì mới được phép phổ biến rộng rãi ra sản xuất. So sánh 2 cách làm nêu trên (có và không qua khảo nghiệm, công nhận giống), chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng nếu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về quản lý giống cây trồng, các giống mía lai tạo trong nước sẽ cần phải mất trung bình từ 11-15 năm, còn các giống nhập nội phải mất từ 8-11 năm kể từ khi lai tạo, nhập nội mới được công nhận giống cây trồng mới và được phép phổ biến rộng rãi vào sản xuất. Điều này đã hạn chế đáng kể tốc độ đưa các giống mía mới có qua khảo nghiệm, công nhận giống vào sản xuất. Nhiều giống mía mới đi theo con đường khảo nghiệm, công nhận giống chính quy như trên khi ra được đến sản xuất đại trà đôi khi đã bị coi là giống mía cũ. Trong khi một đề tài, dự án nghiên cứu giống mới có nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hiện nay ở nước ta chỉ giới hạn thời gian thực hiện trong vòng từ 3-5 năm, nên để thực hiện được các đề tài, dự án này, các đơn vị chủ trì thực hiện đành phải phải nhập giống mới về đưa ngay đi khảo nghiệm để có sản phẩm báo cáo, nghiệm thu và công nhận giống, dẫn tới tình trạng giống ngoại lấn át giống nội như trên đã trình bày. Kết quả về tỷ lệ giống được công nhận chính thức (14/56 giống) trong Bảng 3 đã cho thấy rõ những bất cập nêu trên.

Mặc dù được đưa vào sản xuất chậm hơn so với các giống mía không qua khảo nghiệm, công nhận giống nhưng thực tiễn sản xuất mía đường thời gian qua đã chứng minh rằng nhiều giống mía có qua khảo nghiệm, công nhận giống bài bản như VN84-4137, ROC16, LK92-11, KK3, K95-156, Suphanburi 7,... có sức sống, tính ổn định và thời gian tồn tại trong sản xuất kéo dài hơn nhiều so với đa số các giống mía không qua khảo nghiệm, công nhận giống. Chưa kể tên của các giống mía nhập nội, do không qua khâu giám định giống nên bị trùng lặp với các giống cũ đã nhập, hoặc bị cố tình ghi sai thành tên các giống mía tốt mới nhưng không hoặc chưa được nhập (chủ yếu do nước ngoài không cho phép xuất khẩu), gây nên thiệt hại khá lớn cho người mua và sử dụng giống.

2.3.3 Sản xuất và cung ứng hom giống

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án: "Phát triển giống mía cho vùng nguyên liệu các nhà máy đường giai đoạn 2003 - 2008" tại Quyết định số 5335 QĐ/BNN-KH ngày 02/12/2003 nhằm xây dựng hệ thống nhân giống mía 3 cấp. Tuy nhiên, cho đến nay hầu như nguồn hom giống mía cung cấp cho việc trồng mới khoảng 1/5 - 1/4 diện tích mía hàng năm đều lấy từ nguồn mía “thịt” hay mía nguyên liệu tại chính các vùng nguyên liệu mía. Cách làm này là điều kiện rất thuận lợi cho các dịch hại mía nguy hiểm như sâu xén tóc, bệnh trắng lá, bệnh chồi cỏ, bệnh thối đỏ, bệnh cằn mía gốc,... lây truyền, phát sinh và gây hại tràn lan, dẫn tới năng suất, đặc biệt là chất lượng mía nguyên liệu ở nước ta trong thời gian qua chưa được cải thiện nhiều. Một số cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp Nhà nước đã và đang được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc nhân giống và cung cấp giống đầu dòng (cấp 1), giống xác nhận (cấp 2) để nhân giống thương phẩm (cấp 3) cung ứng cho nông dân trồng mía. Tuy nhiên do hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư, tiến độ cấp vốn không kịp thời và danh mục đầu chưa đồng bộ nên các cơ sở nhân giống này hầu như chưa hoàn thiện, khả năng nhân giống và cung ứng giống cho sản xuất còn hết sức hạn chế, đáp ứng chưa tới 1% nhu cầu về hom giống chất lượng cao của sản xuất mía đường trong cả nước hàng năm.

3. Thực trạng công tác lai tạo giống mía

3.1 Tập đoàn quỹ gen giống mía

Tập đoàn quỹ gen giống cây trồng nói chung, giống mía nói riêng là nguồn vật liệu khởi đầu rất quan trọng trong công tác chọn tạo giống mía cho sản xuất. Đối với các nước trồng mía trên thế giới, việc xây dựng tập đoàn quỹ gen giống mía rất được quan tâm vì đó là nguồn vật liệu khởi đầu quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mía mới ở mỗi nước.

So với các nước khác, tập đoàn quỹ gen giống mía của ta số lượng chưa nhiều. Tính đến vụ mía 2016-2017, sau gần 40 năm sưu tập chúng ta mới có hơn 1.100 mẫu giống mía. Tuy nhiên các mẫu giống mía ở nước ta lại tương đối đa dạng, có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, trong đó có một số dòng thương phẩm tốt của các nước như Cuba, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Úc,... Đặc biệt là trong tập đoàn quỹ gen giống mía của ta có rất nhiều mẫu gen của các loài mía hoang dại được thu thập từ nhiều vùng núi, rừng, vùng nguyên sản khắp nơi trên cả nước trong 5 năm gân đây. Đây là các mẫu gen quý hiếm và rất cần thiết cho công tác tạo giống mía mới có ưu thế lai cao như các loài Saccharum officinarum, Saccharum spontaneum, Saccharum sinense, Erianthus arundinaceus,...

Hiện nay, vườn tập đoàn quỹ gen giống mía Quốc gia này đang được bảo tồn, lưu giữ duy nhất tại Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI). Trong thời gian tới, với nhu cầu của sản xuất về giống mía mới không ngừng tăng cao, sự quan tâm, đầu tư cho công tác nghiên cứu, lai tạo và phát triển giống mía nội ngày càng lớn thì vai trò của tập đoàn quỹ gen giống mía sẽ ngày càng được coi trọng. Do đó chắc chắn nó sẽ tiếp tục được bổ sung, đánh giá, khai thác và phát huy hiệu quả hơn.

3.2 Lai tạo giống mía

            Trước giải phóng miền Nam (1975), ở miền Nam có tiến hành một số tổ hợp lai bằng phương pháp lai hưu tính đầu tiên, từ đó đã chọn được một số giống mía lai như Việt Nam đầu tiên như VN65-65, VN72-77,...

Sau giải phóng miền Nam, Trại Nghiên cứu cây mía được thành lập (1977), sau đó được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Mía đường (1982). Từ đây công tác lai tạo giống mía ở Việt Nam chủ yếu được giao cho Viện thực hiện. Trước 2007 Viện chỉ thực hiện việc lai tạo mía duy nhất tại trụ sở Viện ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Từ cuối năm 2007 đến nay, ngoài địa điểm trên, Viện còn tiến hành lai tạo tại huyện Đơn Dương. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành địa điểm lai tạo giống mía chính của Viện nói riêng, của Việt Nam nói chung.

            Trong giai đoạn từ 1980 đến 1988, Viện đã thực hiện được trên 100 tổ hợp lai và thu được trên 10.000 cây con lai. Qua tuyển chọn đã thu được một số giống mía lai tốt bổ sung vào cơ cấu giống mía trong sản xuất, trong đó nổi bật nhất là giống VN84-4137, hiện là một trong những giống mía chín sớm, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và có chữ đường cao nhất ở Việt Nam. Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Cuba, lần đầu tiên trong lịch sử, Viện đã thực hiện thành công 12 tổ hợp lai xa (lai khác loài) giữa các giống mía thương phẩm (Saccharum sp.) với loài mía hoang dại (S. spontaneum) và đã thu được 84 cây con lai, trong đó có 8 cặp lai F1 và 4 cặp hồi giao BC1.

Bảng 4. So sánh kết quả lai tạo và chọn dòng mía lai Việt Nam 9 năm gần đây

        và bình quân 20 năm trước (1988–2007)

TT

Nội dung

Đơn vị tính

BQ 20 năm

trước

Năm

2008

Năm

2009

Năm

2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

1

Tỷ lệ giống bố mẹ trổ cờ

%

15,3

93,7

81,2

87,5

78,54

80,30

86,3

90,1

93,5

91,8

2

Số tổ hợp lai thực hiện hàng năm

cặp

12

22

33

43

101

97

100

94

94

102

3

Tỷ lệ tổ hợp lai thành công

%

41,67

81,82

84,85

88,37

86,14

96,91

92,7

98,94

98,94

88,60

            Trong giai đoạn từ 1988 đến 2007, bình quân hàng năm Viện chỉ thực hiện được 12 tổ hợp lai và thu được khoảng 500 cây con lai.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về yêu cầu vĩ độ và cao độ nơi thực hiện các tổ hợp lai, kết hợp với việc tư vấn, tham khảo kinh nghiệm và kết quả lai tạo giống mía mới của các nước sản xuất mía đường hàng đầu trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, Cuba, Úc,... kể từ cuối năm 2007 Viện đã có một quyết định đột phá là chuyển tập đoàn giống bố mẹ lên trồng ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, tại vị trí 11o46’ – 11o54’ Vĩ độ Bắc, 108o25’ – 108o38’ Kinh độ Đông và ở độ cao >800 m so với mực nước biển. Đến nay, qua kết quả thực hiện 9 vụ lai tạo và sơ tuyển cây con lai đã hoàn thành (2008 – 2016), có thể khẳng định được rằng đó là một quyết định hết sức đúng đắn, bởi số lượng tổ hợp lai thực hiện được hàng năm của Viện đã tăng lên nhiều lần so với bình quân 20 năm trước đó khi còn lai tạo duy nhất tại Bến Cát, hàng năm trung bình có thể thực hiện được từ 100-120 cặp lai (so với chỉ 12 cặp/năm của bình quân 20 năm trước). Tỷ lệ giống bố mẹ trổ cờ hàng năm đều đạt trên 80% (so với điểm Bến Cát có nhiều năm mía không trổ cờ). Tỷ lệ tổ hợp lai thành công cao, đạt từ 81,82 – 98,94% so với bình quân 41,67% của 20 năm trước, dẫn tới số lượng cây con lai (hay dòng lai mới) thu được hàng năm đã tăng lên hàng chục lần. Đặc biệt, trong điều kiện tự nhiên ở vùng Đơn Dương, Viện đã thực hiện được các tổ hợp lai xa giữa các giống mía thương phẩm với các loài mía hoang dại ErianthusMiscanthus để tạo các giống mía có ưu thế lai cao. Đây là một xu hướng lai tạo mới của thế giới đang được nhiều nước triển khai thực hiện và bước đầu đã thu được một số kết quả rất khả quan.

Hiện nay SRI đang thực hiện chương trình lai tạo giống mía mới chủ yếu vẫn bằng phương pháp lai hữu tính và qua 2 bước chọn dòng (trước đây là 4 bước chọn dòng), với tổng thời gian từ 7-8 năm tính từ khi thu hoạch hạt lai đến khi giống hoàn thành khảo nghiệm sản xuất, chờ công nhận giống cho phép sản xuất thử. Thời gian này đã rút ngắn đáng kể so với trước đây và gần tương đương với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

3.3 Sơ tuyển và chọn dòng

            Việc sơ tuyển và chọn dòng bước 1, bước 2 hiện nay được SRI thực hiện chủ yếu trên khu ruộng thí nghiệm của Viện tại xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Hạt lai sau khi thu hoạch, phơi khô được bao gói đưa vào bảo quản trong tủ lạnh hoặc mang đi gieo hạt ngay. Việc gieo hạt lai được thực hiện trong nhà kính, trên nền đất đã được xử lý, khử trùng và trộn với chất hữu cơ hoai mục theo tỷ lệ 1:1. Sau khi hạt mía nảy mầm từ 10-15 ngày, tiến hành gây nhiễm bệnh cho cây con lai. Sau đó chọn các cây con lai không bị nhiễm bệnh chuyển sang trong trong các bầu đất nylon hoặc khay nhựa ươm cây 49-72 lỗ. Sau 2-3 tháng chăm sóc, ươm bầu cây con lai trong vườn ươm, cây con lai được đem trồng ra đồng ruộng với khoảng cách cây cách cây là 50 cm x 50 cm, hàng cách hàng 1,2 m. Theo dõi, đánh giá trong thời gian từ 10-12 tháng sau khi trồng cây con lai ra ngoài đồng ruộng. Các dòng lai đã chọn được ở bước sơ tuyển được chuyển sang ruộng chọn dòng bước 1, mỗi giống được trồng thành 1 hàng dài khoảng 2m và cứ cách 10-20 hàng thì trồng 1 hàng đối chứng là giống đang trồng phổ biến trong sản xuất. Theo dõi, đánh giá trong thời gian 2 vụ (1 vụ mía tơ và 1 vụ mía gốc). Những dòng lai đạt tiêu chuẩn chọn sẽ được chuyển sang bước 2 kế tiếp, còn những dòng không đạt tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ. Ở bước 2, các dòng lai được bố trí trồng thí nghiệm theo kiểu ô vuông latin (lattice) 5 x 5 hoặc 7 x 7. Mỗi ô thí nghiệm có 4 hàng, mỗi hàng dài 7,5-10m và lấy giống mía tiêu biểu trong sản xuất làm đối chứng. Cũng tiến hành theo dõi, đánh giá trong thời gian 2 vụ (1 vụ mía tơ và 1 vụ mía gốc).

Sau bước 2, những dòng ưu tú sẽ được đem trồng nhân giống ở một khu vực khác để có đủ khối lượng hom giống mang đi khảo nghiệm cơ bản, sau đó là khảo nghiệm sản xuất, sản xuất thử và công nhận giống ở các vùng sinh thái trồng mía khác nhau trên toàn quốc.

3.4 Kinh phí cho lai tạo, chọn dòng

Hiện nay nguồn kinh phí phục vụ cho công tác lai tạo và chọn dòng mía lai của SRI chủ yếu lấy từ nguồn tự có của Viện. Nguồn kinh phí của Nhà nước cấp thông qua các đề tài, dự án chỉ đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu về kinh phí hàng năm phục vụ cho công tác lai tạo và chọn dòng, nhưng không phải năm nào cũng được cấp, do thời hạn thực hiện 1 đề tài, dự án nghiên cứu có nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hiện nay thường chỉ kéo dài từ 3-5 năm. Chính vì vậy việc duy trì thường xuyên công tác lai tạo và chọn dòng của Viện hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn về nguồn kinh phí là lớn nhất. Trong thời gian tới, để duy trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác lai tạo, tuyển chọn dòng, giống mía lai trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành mía đường Việt Nam, Viện rất cần được hỗ trợ thêm kinh phí từ các nguồn khác thông qua các chương trình hợp tác trực tiếp và lâu dài với các doanh nghiệp mía đường hoặc thông qua Hiệp hội mía đường Việt Nam.

4. Định hướng nghiên cứu và phát triển giống mía đến 2020 và 2030

4.1 Mục tiêu định hướng

            - Đến năm 2020:

+ Năng suất mía trung bình đạt > 70 T/ha.

+ Chữ đường trung bình đạt > 11 CCS

+ Giống mía VN chiếm > 10% diện tích.

- Đến năm 2030:

+ Năng suất mía trung bình đạt > 80 T/ha.

+ Chữ đường trung bình đạt > 12 CCS

+ Giống mía VN chiếm > 50% diện tích.

4.2 Định hướng nghiên cứu giống mía

- Tạo giống mía mới bằng phương pháp lai hữu tính có định hướng là chủ đạo, bên cạnh phương pháp tạo đột biến.

- Lai tạo và tuyển chọn giống mía mới cho từng vùng đặc thù, dựa trên kiểu khí hậu, kiểu đất và yêu cầu cụ thể của mỗi vùng, theo hướng ưu tiên giống mía có hàm lượng đường cao > năng suất mía cao > lưu gốc tốt > kháng hoặc tối đa nhiễm trung bình các sâu, bệnh hại chính > thích ứng biến đổi khí hậu.

- Mở rộng thêm mạng lưới các địa điểm chọn dòng mía lai và khảo nghiệm giống mía mới (ngoài điểm SRI) ở một số vùng mía trọng điểm như Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ,…  để nâng cao năng lực chọn dòng mía lai VN.

- Trao đổi, nhập nội các giống tốt mía tốt mới từ nước ngoài để đáp ứng kịp thời nhu cầu của sản xuất, bổ sung và đa dạng hóa nguồn gen giống bố mẹ trong nước, phục vụ cho công tác lai tạo.

- Áp dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao khác trong lai tạo và nhân nhanh giống mía mới.

- Nghiên cứu sắp xếp cơ cấu giống mía hợp lý cho từng vùng mía nguyên liệu tập trung, nhằm đảm bảo phục vụ công tác chế biến đường đạt hiệu quả cao nhất.

4.3 Định hướng phát triển giống mía

- Từng nhà máy đường cần tiến hành rà soát, sắp xếp lại cơ cấu giống mía hiện có trong vùng. Mỗi vùng mía tập trung chỉ nên duy từ 2-3 giống mía chủ lực

- Các nhà máy đường cần thường xuyên nhận chuyển giao, khảo nghiệm, thử nghiệm giống mía mới để tuyển chọn được giống mía mới, bổ sung, thay thế thế cho giống cũ.

- Ưu tiên sử dụng các giống mía có hàm lượng đường cao > năng suất mía cao > lưu gốc tốt > kháng hoặc tối đa nhiễm trung bình các sâu, bệnh hại chính > thích ứng biến đổi khí hậu.

- Khai thác & sử dụng hợp lý giống dựa trên các ưu, nhược điểm của từng giống và theo khuyến cáo của các nhà khoa học chọn tạo giống.

- Từng nhà máy đường phải thiết lập hệ thống nhân & cung cấp hom giống mía sạch bệnh 3 cấp, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng hom giống, có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu hom giống trồng mới hàng năm.

- Liên kết, hỗ trợ qua lại giữa SRI và các nhà máy đường để nghiên cứu, khảo nghiệm và chuyển giao nhanh giống mía mới ra sản xuất.

5. Giải pháp

Giống mía là tiền đề rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành mía đường.  Công tác giống mía và lai tạo giống ở Việt Nam hiện nay mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển theo quy luật phát triển thông thường. Chỉ khi nào chúng ta có bộ giống mía riêng của Việt Nam, do Việt Nam lai tạo, phù hợp với từng vùng đất thì ngành sản xuất mía đường mới hội đủ điều kiện đi vào thế phát triển ổn định. Để sớm đạt được điều đó, trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị Nhà nước, Hiệp hội mía đường và các doanh nghiệp thành viên cần xem xét và thực hiện một số giải pháp chính như sau:

5.1 Giải pháp về chính sách

- Nhà nước cần sớm nghiên cứu và ban hành “Luật Mía Đường”. Đây là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển của một ngành kinh tế - xã hội hết sức đặc thù như ngành mía đường, mà hầu hết các nước sản xuất mía đường trên thế giới đều đã thực hiện và đã thu được hiệu quả rất cao.

- Trong thời gian chờ ban hành “Luật Mía Đường”, cần có chính sách trích lợi nhuận từ hoạt động sản xuất mía đường nhằm hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, chuyển giao giống mới, do đặc thù nhân giống vô tính ở cây mía rất dễ bị mất bản quyền giống. Trước mắt đề xuất áp dụng mức trích tạm thời là 1% trong tổng số 10% thu nhập tính thuế hàng năm của các doanh nghiệp mía đường trước khi tính thuế để đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo Quy định tại Điều 10 Thông tư số 78/2014/BTC-TT ngày 18/06/2014 của Bộ Tài Chính.

- Thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước về công tác quản lý giống cây trồng nói chung, giống mía nói riêng. Đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, nghị định, chế độ và chính sách về công tác giống mía do Nhà nước ban hành.

5.2 Giải pháp về công nghệ

- Tăng cường lai xa khác chi (Intergeneric) giữa chi mía (Saccharum) và một số chi mía hoang dại gần gũi chi mía như chi Erianthus, Miscanthus, Sclerostachya Narenga, cũng như lai trở lại (back cross) để tạo nguồn vật liệu khởi đầu có ưu thế lai cao, đa dạng về di truyền, phục vụ hiệu quả cho công tác lai tạo và tuyển chọn giống mía mới.

- Xây dựng tiêu chuẩn hom mía giống 3 cấp, gồm cấp 1 (giống gốc), cấp 2 (giống xác nhận) và cấp 3 (giống thương phẩm), làm cơ sở cho việc ban hành các quy định về kiểm định và kiểm soát chất lượng mía giống.

- Tăng cường việc đánh giá tính kháng bệnh (disease screening) và các điều kiện bất thuận (screening for abiotic stress tolerance) cho các giống mía mới, trước khi đề xuất công nhận và phóng thích giống ra sản xuất để hạn chế rủi ro do sâu, bệnh gây ra cho sản xuất.

- Áp dụng rộng rãi công nghệ nhân giống mía bằng phương pháp cây mô hoặc bầu hom 1 mắt mầm có xử lý kép bằng nước nóng (lần 1 ở 52oC/30 phút, để qua đêm rồi xử lý tiếp lần 2 ở 50oC/2 giờ) tại các cơ sở nhân giống gốc (giống cấp 1), để nhân nhanh giống mía mới sạch bệnh cung cung cấp cho các bước nhân giống tiếp theo trong hệ thống nhân giống 3 cấp.

 5.3 Giải pháp khác

- Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi, nhập nội các giống mía tốt mới từ các nước có ngành mía đường phát triển như Braxin, Mỹ, Úc, Thái Lan, Ấn Độ,… nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của sản xuất, bổ sung và đa dạng hóa nguồn gen giống bố mẹ trong nước, phục vụ cho công tác lai tạo.

- Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu, cũng như nguồn giống mía mới giữa các doanh nghiệp mía đường trong nước.

- SRI và một số doanh nghiệp mía đường lớn như TTC, LASUCO, QNS cần liên kết và hợp tác với nhau trong việc lai tạo, chọn dòng, khảo nghiệm và chuyển giao nhanh các giống mía lai VN mới.

- Các doanh nghiệp mía đường cần bỏ vốn đầu tư và đảm nhận các dịch vụ, trong đó có dịch vụ nhân giống 3 cấp cung ứng cho nông dân, thông qua đó chuyển giao nhanh giống mới ra sản xuất.

- Đầu tư xây dựng Trung tâm Lai tạo Giống mía đủ khả năng lai tạo được 200-250 cặp lai mỗi năm, cung cấp  được từ 200.000 – 250.000 cây con lai cho mạng lưới các cơ sở chọn dòng và khảo nghiệm giống trên toàn quốc.

- Tăng cường đào tạo cán bộ nghiên cứu trẻ cho SRI và các cơ sở chọn dòng, khảo nghiệm giống mía mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Nông nghiệp và PTNT (2016). Báo cáo tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2015-2016. TP. Hồ Chí Minh, ngày 19/07/2016.

Bộ Nông nghiệp và PTNT (2017). Báo cáo tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2016-2017. Tp. Sầm Sơn, ngày 27/09/2017.

FAOSTAT (2018). http://www.fao.org/faostat/en/#data/QC

ISSCT sugarcane varieties notes (2018). http://www.sugarcanevariety.org/default.aspx

Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (2018). Báo cáo tổng kết nghiệm thu Dự án: “Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, 309 trang.

 

TS. Cao Anh Đương

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI)

 Nguồn: Đặc san Mía Đường Việt Nam, số 01 (tháng 5/2018), trang 20-34.

 

m

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
BÌNH LUẬN

Video
bình luận mới
Đoàn Quang Phong
Gửi TS Đỗ Ngọc Diệp Đọc bài viết của TS tôi rất tâm dắc.Vấn đề cơ gới hoá thu hoạch là khâu cấp thiết giá thành thu hoạch cụ thể giảm chi phí 70000/tấn, tận thu hầu hết nguyên liệu gốc, phần loại bỏ được trả lại cho đất. nói chung máy thu hoạch phải đạt những tính năng như TS đã nêu.Tôi xin giới thiệu với ông mô hình tôi đã mày mò(www.youtube.com/watch?v=N_YppX5wEq4),cần sự cộng tác để hoàn thành. Những bất cập trên mô hình chẳng qua chỉ thiếu vốn đầu tư mà thôi. Tôi mong rằng Viện nghiên cứu qua ông quan tâm. Tôi chỉ là nông dân trồng mía rất nhọc nhằn trong khâu thu hoạch nên quyết tâm suy nghĩ thế thôi. Rất mong được cơ quan, cá nhân có tâm huyết và khả năng tiếp nhân để sản xuất máy công cụ này. Rất mong được trao đổi
Nguyễn Thế Hữu
Chân thành cảm ơn Chú Diệp! Bài viết của Chú rất hữu ích và mang nhiều ý nghĩa thực tế trong ngành trồng mía hiện nay. Chúng cháu kính chúc Chú luôn dồi dào sức khỏe để còn dẫn lối nhiều hơn nữa cho ngành mía đường Việt Nam.
Nguyễn Thế Hữu
Dear quý Anh/Chị đồng nghiệp! Hiện nay tôi đã được 1 người thân giúp đỡ và lấy được những tài liệu dạng fulltext từ tạp chí chuyên xuất bản những nghiên cứu về cây mía "Sugar Tech", Anh/Chị nào cần file fulltext để tham khảo thêm thì liên hệ với tôi qua email: nthuu@hotmail.com hoặc số phone: 0983.832.776 Lưu ý: Anh/chị chỉ cần gửi tên đầy đủ của nghiên cứu qua email. Trân trọng!
Bùi Anh Văn
Gửi anh Đông anh có thể tải về và tham khảo tại đây: http://www.mediafire.com/?b9jl3g7272zh17e http://www.mediafire.com/view/?fr8e2frdhj60l2f
Phan Văn Toàn
Kính gửi Quý Viện Để muốn có các tài liệu nghiên cứu trên phải mua trên mạng với giá 20 - 40 USD, vì vậy Quý Viện có quỹ nào để mua và cung cấp cho đọc giả tham khảo kịp thời các tiến bộ kỹ thuật. Trân trọng cảm ơn! Sugar Tech June 2012 , Volume 14 , Issue 2 , pp 126-133 Wider Row Spacing in Sugarcane: A Socio-economic Performance Analysis T. Rajula Shanthy , GR Muthusamy Purchase on Springer.com $39.95 / €34.95 / £29.95 * * Final gross prices may vary according to local VAT.
lịch việt
quảng cáo tài trợ
Thống kê
24453
Tổng số khách đã viếng thăm