Lại một vụ mía “đắng”

Khác với những vụ mía trước đây, năm nay, mùa thu hoạch mía ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang diễn ra một cách ảm đạm, buồn tẻ. Khoảng hai tháng trước, nước lũ dâng cao khiến nhiều diện tích mía bị ngập nặng, mất trắng. Trong khi đó, giá mía nguyên liệu lại thấp, việc thuê nhân công thu hoạch gặp nhiều khó khăn khiến người trồng mía càng thêm buồn phiền, lo lắng. Vì thế, dù đang là thời điểm chính vụ nhưng trên các kênh, rạch, người ta ít thấy những ghe, thuyền tấp nập chở mía về cầu cảng nhà máy. Còn dọc tuyến đường các xã, thi thoảng mới thấy cảnh thu mua mía.

Nhà ông Phạm Văn Tám ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp có 15 công mía (khoảng 1,5 ha), cho sản lượng khoảng 150 tấn mía nguyên liệu và được ông bán toàn bộ cho Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) với giá 700 đồng/kg, thấp hơn năm trước 300 đồng/kg. Theo ước tính của ông Tám, với giá mía trên, mỗi công ông lỗ 3 triệu đồng. Tiền vay ngân hàng để mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công, ông chỉ có thể trả lãi, chưa trả được gốc. 

Ông Phạm Văn Tám, cho biết: “Tôi còn may mắn hơn nhiều hộ trồng mía khác vì đã thu hoạch xong. Hiện nay, dù giá thuê nhân công là 200.000 đồng/tấn nhưng rất khó thuê vì người dân bỏ ruộng, bỏ quê đi làm ở các khu công nghiệp khác hết. Tôi cũng không biết mình còn bám trụ trồng mía được bao lâu nữa vì giá mía ngày càng thấp, trong khi đó tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công ngày càng tăng giá”.

m

Người dân ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp đưa mía lên cân

 Còn theo anh Nguyễn Văn Cứng, cũng ở ấp Mỹ Thuận 2, nhà có 6 công mía đồng thời là chủ một nhóm nhân công thu hoạch mía thuê thì cho hay: “Mấy năm nay, người dân bỏ quê đi làm công nhân hết nên chúng tôi làm không hết việc. Tại nhiều nơi chúng tôi thu hoạch như ở ấp Mỹ Thuận 1, giá thu mua mía còn thấp hơn nữa, có hộ chỉ bán được 300 đồng/kg, 500 đồng/kg”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Văn Túc, Phó chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, cho biết: “Toàn xã chúng tôi có 447ha trồng mía. Năm nay, nông dân trồng mía không có lãi vì giá mía nguyên liệu quá thấp. Trung bình, để có được 1kg mía nguyên liệu, người dân phải bỏ ra chi phí lên đến 720 đồng. Đến nay, dù giá thu mua đã lên đến 780 đồng/kg nhưng do lũ dâng cao nên không thể chặt mía sát gốc, mía teo khô lại nhiều nên năng suất giảm thì người dân vẫn lỗ từ 30 đến 40 đồng/kg. Việc thu mua mía năm nay diễn ra chậm, mọi năm ghe chạy đầy sông nhưng năm nay rất vắng; hơn nữa, việc thuê nhân công cũng gặp nhiều khó khăn. Nhà tôi có 5 công mía, đã được nhà máy thu mua nhưng không thể thuê được nhân công thu hoạch”.

Hướng đi nào cho cây mía và người nông dân?

Theo ông Nguyễn Văn Túc, giá mía và việc tiêu thụ mía nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà máy đường nên việc bảo đảm đầu ra, giá cả hết sức khó khăn, ngoài tầm với của chính quyền địa phương. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng khuyến cáo nông dân không nên tăng diện tích trồng mía, tích cực chuyển đổi cây trồng.

Ông Túc cho biết: “Đối với xã, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị để bàn về cây mía. Trong đó, chúng tôi vận động bà con chuyển đổi cây trồng trên diện tích mía ở ngoài vùng nguyên liệu của Casuco; xây dựng mô hình chuỗi giá trị và trồng thử nghiệm 25ha bưởi da xanh ở ấp Mỹ Thuận 2 từ vốn của chương trình mục tiêu quốc gia; vận động chuyển đổi 22ha sang trồng dưa hấu… Ngoài ra, tới đây chúng tôi cũng sẽ kiến nghị các cấp, các ngành cho chuyển đổi sang trồng cây tràm làm nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy giấy Lee&Man trên địa bàn.

Còn theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, trước tình hình giá thu mua mía giảm như mấy năm gần đây, huyện đã có kế hoạch giảm diện tích trồng mía từ 7.500ha xuống chỉ còn 6.000ha vào năm 2020.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá mía nguyên liệu giảm do đường sản xuất trong nước khó cạnh tranh với đường nhập khẩu và tình trạng nhập lậu đường diễn ra nhiều năm qua. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường sản xuất trong nước đạt 1,4 đến 1,5 triệu tấn, trong khi lượng đường nhập lậu lên đến khoảng 500.000 tấn và có giá rẻ hơn 1.000 đồng/kg. Vì thế, để bán được, đường sản xuất trong nước phải giảm giá và dẫn đến giá thu mua mía nguyên liệu giảm. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, doanh nghiệp không thể sản xuất được do lượng đường tồn kho cao, không có vốn sản xuất và cây mía Hậu Giang sẽ không có nơi tiêu thụ, nông dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn về đầu ra cho cây mía đã diễn ra từ nhiều năm nay bởi các nguyên nhân cố hữu. Thiết nghĩ, để nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với cây mía thì rất cần Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường. Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng nên nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi cây trồng và duy trì diện tích trồng mía ở mức độ phù hợp.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

qdnd.vn